Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gắn kết và chủ động thích ứng đã trở thành "thương hiệu" của ASEAN

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 09/09/2020 11:25 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Gắn kết và chủ động thích ứng đã trở thành "thương hiệu" của ASEAN, giúp các quốc gia đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên.

Hôm nay (9/9), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) chính thức khai mạc. Sự kiện này mở màn cho tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan diễn ra từ hôm nay (9/9) đến thứ Bảy (12/9).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gắn kết và chủ động thích ứng đã trở thành thương hiệu của ASEAN - Ảnh 1.

Toàn cảnh lễ khai mạc AMM 53

Tham dự lễ khai mạc trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN cùng đại biểu đến dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị lần này là minh chứng cho việc ASEAN đang điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh mới, vững vàng, gắn kết cùng vượt khó khăn, thử thách. Năm 2020 là năm nhiều cảm xúc. ASEAN bước sang thập kỷ thứ 6, Cộng đồng hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ, thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Những thành quả đáng trân quý ấy đang được thử lửa trong môi trường đầy biến động, với những thách thức chưa từng thấy, nhất là sự bùng phát dịch COVID-19.

Thủ tướng khẳng định: "Gắn kết và chủ động thích ứng không chỉ đơn thuần là chủ đề của 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động và trách nhiệm đã trở thành "thương hiệu" của ASEAN, giúp chúng ta tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên".

"Thương hiệu" đó được khẳng định rõ trong 8 tháng qua, thể hiện qua cam kết ở cấp cao nhất, Lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2020 tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3 và tháng 6/2020 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Đó cũng là nỗ lực của các trụ cột Cộng đồng hợp tác, mở rộng liên kết, thực hiện "mục tiêu kép" vừa đẩy mạnh phát triển vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành lời khen ngợi các cơ quan của ASEAN đã đưa cả hệ thống và bộ máy vào cuộc, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, người dân ổn định đời sống. Những sáng kiến như lập Quỹ ứng phó COVID-19, lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi tổng thể đã và đang vừa giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh, vừa là chất keo gắn kết các nước thành viên.

Vững vàng, bản lĩnh trước những biến chuyển phức tạp của tình hình, tôi đánh giá cao Tuyên bố chung dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN. Các Bộ trưởng Ngoại giao đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy xây dựng lòng tin và cùng nhau hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, tôn trọng lẫn nhau và dựa trên luật lệ.

Vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN ngày càng cao. Với cương vị Chủ tịch ASEAN, vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G-20, Hội nghị Phong trào Không liên kết, Hội nghị Đại hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Ứng phó dịch COVID-19 và đã chuyển tải thông điệp của ASEAN, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức mang tính toàn cầu này.

Thủ tướng hoan nghênh Ngài Tổng Thư ký ASEAN lần đầu tiên phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện hợp tác, cam kết và đóng góp của ASEAN với các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế của Liên hợp quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gắn kết và chủ động thích ứng đã trở thành thương hiệu của ASEAN - Ảnh 2.

Đại biểu các quốc gia tham dự lễ khai mạc trực tuyến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53

ASEAN cần tiếp tục thể hiện đoàn kết, kiên định với con đường hơn 5 thập kỷ

Chỉ còn 4 tháng nữa năm 2020 sẽ khép lại, thời gian không còn nhiều, dịch bệnh còn rất phức tạp, người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại quá sức; môi trường địa chính trị, kinh tế khu vực, trong đó có cả Biển Đông, đang có nhiều biến động ảnh hưởng hòa bình, ổn định. Để tiếp nối những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quý vị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quan tâm thúc đẩy những ưu tiên sau:

Một là, tiếp tục đề cao đoàn kết, giữ vững thống nhất, triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Kịp thời đánh giá, nâng cao hiệu quả triển khai Hiến chương ASEAN, bộ máy ASEAN, làm cơ sở hoạch định tầm nhìn phát triển cho ASEAN sau 2025.

Hai là, tập trung đẩy lùi dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi bền vững. Tôi đề nghị sử dụng hiệu quả Quỹ ứng phó COVID-19 và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, hỗ trợ năng lực ứng phó của ASEAN. Nhanh chóng hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, các doanh nghiệp, địa phương khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thực hiện thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết các tiểu vùng trong đó có Mekong, với phát triển chung của ASEAN...

Ba là, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin; từ đó hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia; giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như TAC, DOC...

Trong môi trường khu vực phức tạp hiện nay, ASEAN cần tiếp tục thể hiện đoàn kết, kiên định với con đường và phương cách của mình trong hơn 5 thập kỷ, đúng với tinh thần Tuyên bố ngày 8/8 vừa qua.

"Chúng ta tiếp tục phát huy những giá trị, bản sắc của ASEAN, đó là chất keo gắn bó người dân các nước thành viên trong tình thân ái, sẻ chia, gắn kết như hình ảnh bó lúa vàng trên nền xanh Lá cờ ASEAN thể hiện niềm tự hào của người dân ASEAN.

Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam cũng trùng với mốc kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Tôi xin khẳng định cam kết của Việt Nam nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN và trông đợi sự ủng hộ và hợp tác từ các bạn để có thể hoàn thành tốt nhiệm kỳ 2020, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

ASEAN tiếp tục đóng góp và phát huy vai trò trong hòa bình, an ninh quốc tế

Phát biểu tại Phiên Khai mạc Hội nghị AMM 53, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh năng động trong hành động, linh hoạt trong ứng phó, sáng tạo trong hợp tác là những đặc trưng của ASEAN trong hơn 5 thập kỷ qua.

Mười năm qua, với tinh thần "Từ tầm nhìn đến hành động", Cộng đồng ASEAN đã từng bước thành hiện thực. Chặng đường đầu đã hoàn thành, tạo nền tảng quan trọng cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã từng bước phát huy vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc khu vực rộng mở và bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ.

Bước sang thập kỷ thứ 6, ASEAN đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, vừa vươn tầm phát huy vai trò và vị thế ở khu vực, vừa tích cực đóng góp cho các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gắn kết và chủ động thích ứng đã trở thành thương hiệu của ASEAN - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng cho biết: "Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi các biện pháp cụ thể triển khai chỉ đạo của Cấp cao ASEAN 36, tiếp tục giữ vững hợp tác và liên kết khu vực, vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và định hướng phát triển lâu dài cho ASEAN cho giai đoạn tiếp theo.

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố đoàn kết, thống nhất, đồng cảm và chia sẻ, tôn trọng những lợi ích, quan tâm của nhau để các nước thành viên gắn kết bền vững trong một Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Chúng ta quyết tâm khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả và đúng tiến độ các mục tiêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đảm bảo các quy định, thể thức hoạt động của Hiến chương ASEAN được thực thi đầy đủ, tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN cũng như các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối, phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các sáng kiến của ASEAN về Mạng lưới các đô thị thông minh, Kết nối các Kết nối… sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả. Phó Thủ tướng bày tỏ sự trông đợi những ý kiến đóng góp và trao đổi quý báu từ các đại biểu tại Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về Phát triển tiểu vùng dịp Hội nghị lần này.

Xác định nguy cơ dịch bệnh COVID-19 còn thường trực, ASEAN một mặt chủ động kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh thông qua nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm, phát triển vaccine và thuốc điều trị tiếp cận rộng rãi với người dân, mặt khác, cần triển khai ngay các biện pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch bệnh, từng bước phục hồi nền kinh tế và ổn định đời sống xã hội. Hội đồng Điều phối ASEAN sẽ thảo luận sâu rộng về thúc đẩy hiệu quả các nỗ lực và sáng kiến ứng phó với COVID-19 của ASEAN.

Để giảm thiểu hệ quả từ những biến động phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và quốc tế, để duy trì ổn định tình hình, tập trung ứng phó dịch bệnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị cần chú trọng củng cố các thiết chế đối thoại và hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt và làm động lực.

Gặp các đối tác tại các Hội nghị lần này, các Bộ trưởng sẽ trao đổi về phương hướng phát triển của các diễn đàn như: EAS nhân kỷ niệm 15 năm hình thành, ARF với giai đoạn hợp tác và chương trình hành động mới 2020-2030, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các Đối tác theo các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, để các cơ chế này có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình trong bối cảnh mới.

Song song với đó là nỗ lực xây dựng và thực thi các chuẩn mực ứng xử phổ quát, đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có tuân thủ luật pháp quốc tế, bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tin cậy chiến lược, như Tuyên bố ngày 8/8 nhấn mạnh, sẽ là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, thực tâm hợp tác trên cơ sở cùng có lợi và ngăn ngừa nguy cơ xung đột.

ASEAN sẽ tiếp tục tham gia đóng góp và phát huy vai trò trong các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Đối thoại cấp Bộ trưởng giữa ASEAN và các Đối tác nhằm khuyến khích vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh bền vững dịp này là đóng góp thiết thực của ASEAN triển khai Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Các thách thức đối với an ninh và ổn định ở khu vực luôn hiện hữu, trong đó có các nhân tố đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới. ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình. ASEAN kiên định thúc đẩy triển khai đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982.

Để chủ động trong định hướng phát triển cho tương lai, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các Bộ trưởng sẽ cùng nhau trao đổi và bàn thảo về cách thức xây dựng một tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN sau 2025, đảm bảo kế thừa các thành tựu đạt được và giúp ASEAN thích ứng hiệu quả với những cơ hội và thách thức ở những thập kỷ tiếp theo.

AMM 53 là một trong những đợt hội nghị quan trọng nhất trong Năm ASEAN 2020. Dự kiến sẽ có khoảng 20 hội nghị, phiên họp cấp Bộ trưởng và khoảng 40 văn kiện được xem xét, ghi nhận, thông qua tại các hội nghị lần này.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan

VTV.vn - Hôm nay (9/9), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, gọi tắt là AMM 53 sẽ khai mạc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước