Thủ tướng: Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam

Theo VGP-Thứ bảy, ngày 14/01/2023 18:29 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp kiều bào tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023.

VTV.vn - Chiều 14/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp mặt xúc động với kiều bào tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023 nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Tại buổi gặp mặt, đại diện bà con kiều bào bày tỏ xúc động, vui mừng được trở về quê hương, đất nước để đón Tết cổ truyền, cho biết đa số bà con ta đã ổn định lại cuộc sống sau đại dịch COVID-19, tiếp tục phát triển và hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại; đồng thời có nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần quan trọng lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Thủ tướng: Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam - Ảnh 2.

"Dịp để nhìn nhận lại giá trị Việt Nam"

Bà Aurélia Nguyen, Giám đốc chiến lược Chương trình của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), nguyên Giám đốc điều hành cơ chế COVAX cảm ơn Chính phủ đã đón tiếp bà con kiều bào nồng hậu; bày tỏ hết sức vui mừng được trở về đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Bà cho biết nhìn lại 3 năm vừa qua là khó khăn nhất trong cuộc đời của bà, trước đại dịch COVID-19 mà không ai trong chúng ta có thể quên được. Nhưng đây cũng là dịp để bà nhìn nhận lại giá trị Việt Nam, giúp bà có động lực để góp phần thực hiện một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới vừa qua.

Nhắc tới người cha sinh ra, lớn lên ở Việt Nam và sang Pháp học tập, bà cũng tự hào và cảm ơn tổ tiên đã cho bà là người Việt Nam. Người cha đã dạy bà về giá trị của sự chăm chỉ, cách nhìn nhận hướng ra thế giới, sự đoàn kết cộng đồng sẽ mạnh hơn là từng cá nhân đơn lẻ.

Thủ tướng: Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Aurélia Nguyen, Giám đốc chiến lược Chương trình của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), nguyên Giám đốc điều hành cơ chế COVAX bày tỏ hết sức vui mừng được trở về đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Bà cho rằng, sự hài hước và lạc quan "rất Việt Nam", giá trị và niềm tin của người Việt Nam đối với gia đình đã giúp bà vượt qua những thời khắc khó khăn. Và bà cũng đã theo dõi với lòng tự hào lớn, chứng kiến Việt Nam - đất nước quê hương đã vượt qua đại dịch, chứng minh cho thế giới về cách tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng - một chiến dịch y tế công cộng quy mô lớn như thế nào.

Bà cho biết khi làm việc tại châu Âu, đã tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của đại dịch và mặc dù số ca mắc tại Việt Nam có tăng trong năm 2021, 2022, song Chính phủ Việt Nam rất xứng đáng nhận được sự khen ngợi trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng trước đại dịch, đặc biệt là thành tựu đáng kinh ngạc về tiêm chủng.

COVAX đã kề vai sát cánh với Việt Nam trong chiến dịch này, cung ứng 70 triệu liều vaccine phòng COVID-19  cho Việt Nam. Còn GAVI hiện ngoài việc tham gia cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn tích cực củng cố hệ thống tiêm chủng cơ bản của các quốc gia. Bà mong được tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục bao phủ vaccine, chăm sóc sức khoẻ cho người dân, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo bà, có chương trình tiêm chủng mạnh thì thế hệ tương lai sẽ mạnh khoẻ, không phải chịu dịch bệnh, trong bối cảnh hàng triệu con em Việt Nam và trên thế giới dễ bị tổn thương vì dịch bệnh. Đây chính là động lực để thúc đẩy bà nỗ lực hành động.

Thủ tướng: Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Ukraine chia sẻ tại cuộc gặp.

Ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Ukraine nhắc lại những ký ức đậm nét về cuộc xung đột tại Ukraine. Ông cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo hộ công dân, các cán bộ sứ quán và nhiều kiều bào đã trải qua nhiều ngày đêm "không ăn không ngủ" chăm lo chỗ ăn, chỗ ở, miếng cơm manh áo cho đồng bào. Nhờ sự tận tình, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan, của đồng bào, hơn 7.000 người Việt tại Ukraine đã di tản ra nước ngoài mà không ai bị thiệt mạng trong điều kiện khó khăn. Ngay sau khi đồng bào qua biên giới, Đảng, Nhà nước đã có những chuyến bay miễn phí đưa nhiều kiều bào về nước và tiếp tục quan tâm về mọi mặt đời sống.

Bà Trần Tuệ Tri, kiều bào tại Singapore bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi rất lớn của đất nước thời gian qua, đơn cử như Vịnh Hạ Long không chỉ là di sản nổi tiếng thế giới mà còn ngày càng sạch hơn về môi trường, sinh thái. Nhìn rộng hơn, đất nước ta đang thể hiện vị thế của một "con hổ đang lên", một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Khi thương hiệu đất nước được nâng tầm thì giá trị mỗi người cũng được nâng lên và bà cho biết rất tự hào mỗi khi giới thiệu mình là người Việt Nam, được bạn bè quốc tế tôn trọng.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu cho biết, sau 6 năm thành lập, Liên hiệp Hội làm khá tốt công tác đối ngoại, liên kết cộng đồng, nhất là thông qua việc thực hiện các chương trình từ thiện trong đại dịch COVID-19. Đại hội Liên hiệp Hội vừa qua đã đưa ra ưu tiên củng cố tổ chức Liên hiệp Hội, phát triển tổ chức hội ở những nước chưa có tổ chức. Bằng những việc làm được, Hội người Việt Nam tại các nước châu Âu, Liên hiệp Hội Người Việt Nam ở châu Âu đã góp phần vào nâng cao vị thế của bào con kiều bào đối với chính quyền sở tại, củng cố quan hệ giữa các nước với Việt Nam.

Ông bày tỏ vui mừng và tự hào về đất nước Việt Nam vì những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển đất nước; cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước qua các chủ trương, chính sách như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, các chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Tự hào với truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được gặp lại kiều bào trong ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công, ông Táo, có ý nghĩa linh thiêng đối với mỗi gia đình Việt Nam. Thủ tướng cũng xúc động trước tình cảm của kiều bào - những người đã vượt qua rất nhiều giới hạn để về với quê hương; đánh giá các ý kiến hết sức tâm huyết, với tình yêu, khát vọng cháy bỏng mong muốn cống hiến cho đất nước.

Chia sẻ với bà con, Thủ tướng nhắc tới những câu chuyện cổ của dân tộc về con Rồng-cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Mị Châu-Trọng Thủy, Thạch Sanh… - những câu chuyện cho thấy những giá trị cốt lõi trong truyền thống văn hóa - lịch sử Việt Nam. Trong đó, một trong những điểm nổi bật nhất là đất nước ta mỗi khi lâm nguy, khó khăn, trắc trở thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lại được củng cố, tăng cường và phát huy mạnh mẽ.

Thủ tướng: Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam - Ảnh 5.

Thủ tướng xúc động trước tình cảm của kiều bào - những người đã vượt qua rất nhiều giới hạn để về với quê hương.

Điểm lại lịch sử, Thủ tướng nêu rõ, trước năm 1945, đất nước ta là nước thuộc địa, nửa phong kiến. Sau khi giành được độc lập năm 1945, chúng ta lại phải trải qua 30 năm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước, sau đó đối đầu với bao vây, cấm vận, các cuộc chiến tranh biên giới.

"Chúng ta giành độc lập, đánh đuổi thực dân, đế quốc, phát xít, chế độ diệt chủng bằng sức mạnh của chúng ta, giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng bằng sức mạnh của chúng ta, chống chọi với bao vây, cấm vận bằng sức mạnh của chúng ta, đương đầu với các cuộc chiến tranh biên giới bằng sức mạnh của chúng ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chúng ta có quyền tự hào với truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước", Thủ tướng phát biểu.

"Ít có người nước ngoài nào hiểu hết được sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Không có nước nào xâm lược đất nước ta mà chiến thắng. Bởi vì chúng ta đánh giặc với tinh thần dân tộc Việt Nam, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", con ong, con trâu, cây tre, cây nứa cũng đánh giặc, chúng ta đánh giặc ở đô thị, ở nông thôn, ở rừng, ở biển, trên bầu trời, dưới lòng đất. Đồng thời, trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên người Việt Nam rất thấu hiểu giá trị của hòa bình, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ năm 1986, chúng ta tiến hành đổi mới dựa trên 3 trụ cột: Xóa quan liêu, bao cấp; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu; và hội nhập quốc tế. Chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (phát huy tối đa nguồn lực con người, tinh thần đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại); xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân phải tham gia xây dựng, thực hiện chính sách); xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp của nhà nước khi cần thiết). Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu những tác động từ bên ngoài, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị, nhân lực, góp phần hoàn thiện thể chế) là quan trọng và đột phá.

Sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Như vậy, GDP Việt Nam đã tăng 100 lần. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thủ tướng nhấn mạnh, những thành tựu, kết quả đạt được đã góp phần làm nên "thương hiệu" Việt Nam.

Không khuất phục trước dịch COVID-19, "đi sau về trước" về vaccine

Nhắc lại những ngày tháng rất khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh vaccine khan hiếm trên toàn cầu và tiếp cận vaccine không bình đẳng, Việt Nam là một nước đông dân, không có tiềm lực kinh tế mạnh, song chúng ta không khuất phục, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, triển khai chiến lược vaccine với 3 thành tố: Thành lập Quỹ vaccine với đóng góp của mọi người dân; triển khai ngoại giao vaccine với phương châm "bằng bất cứ phương thức gì miễn là có vaccine"; và tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí lớn nhất từ trước tới nay.

Nhờ đó, chúng ta đã "đi sau về trước" về vaccine, chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3,15%; GDP cả năm tăng 8,02%; các cân đối lớn được bảo đảm. Vốn FDI giải ngân hơn 22 tỷ USD, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước; trong đó, quan điểm của Việt Nam về xung đột tại Ukraine được nhiều nước chia sẻ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng. Các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được đề cao hơn, quan tâm hơn với nhiều nỗ lực thiết thực.

Bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam

Theo Thủ tướng, năm 2023 tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, chúng ta tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và tình hình nhìn chung khó khăn hơn năm 2022, trong đó có các yếu tố "bất lợi kép" từ bên ngoài và bên trong.

Để tiếp nối những thành tựu đạt được trong năm 2022, phấn đấu đạt cao nhất những mục tiêu đề ra cho năm 2023, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó, sự đóng góp, sẻ chia, tham gia tích cực của bà con Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực rất quan trọng.

Nhắc lại câu hát "Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi", câu ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", Thủ tướng khẳng định: "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam".

Tại chương trình Xuân Quê hương năm ngoái, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp, Thủ tướng đã nói về quyết tâm của Chính phủ phấn đấu thực hiện mục tiêu "Đường về quê gần hơn". Đến nay, khi đường về quê của bà con đã gần hơn rất nhiều, Chính phủ hướng tới mục tiêu "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam".

Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện tốt hơn mục tiêu "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới", chúng ta cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước (như ổn định vĩ mô; ổn định an ninh trật tự, xã hội; hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, rào cản, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy hội nhập, đổi mới chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài).

Trong những năm gần đây, một số doanh nhân Việt Nam đã có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Điều này thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của người Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng cần chú trọng đến việc giáo dục đào tạo để các thế hệ sau hiểu hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam.

Đồng thời, chúng ta "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới" qua việc tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; quảng bá về truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa, sự chân thành, thân tình, lòng mến khách của dân tộc Việt Nam, để các nước, người nước ngoài hiểu rõ hơn về Việt Nam, chia sẻ hơn với Việt Nam.

Mặt khác, chúng ta "Mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam" qua việc tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, đầu tư; tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chúng ta "Mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam" bằng cách đẩy mạnh hợp tác về du lịch, mở rộng hơn nữa các thị trường du lịch tiềm năng ở khu vực và trên toàn thế giới, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến với đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách.

Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong nước, rất cần có vai trò quan trọng, sự ủng hộ, tham gia tích cực của bà con kiều bào ta ở nước ngoài - những người có nhiều năm sinh sống, học tập, làm việc và thông hiểu sở tại, những vị "Đại sứ thầm lặng" của dân tộc ta.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của kiều bào và cũng tôn trọng sự khác biệt, lựa chọn của mỗi người, làm sao để mỗi người có cuộc sống tốt nhất, từ đó mới có thể giúp gia đình, họ hàng, quê hương, đất nước. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương và tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng: Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam - Ảnh 6.

Thủ tướng tặng quà lưu niệm cho kiều bào tại cuộc gặp

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 36-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt tăng cường thông tin để bà con kiều bào ở nước ngoài hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động (biến động thị trường, biến đổi khí hậu và biến chuyển xu thế tiêu dùng), Thủ tướng mong muốn bà con tuân thủ pháp luật sở tại, luôn được bình an, đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh, cùng nhau thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, trong đó có nhiệm vụ "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam", để chúng ta mãi mãi tự hào là người Việt Nam!

"Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc. Mỗi người Việt dù ở đâu trên trái đất này, trái tim luôn hướng về quê hương như câu ca dao "Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Chính phủ thấu hiểu tấm lòng, ước nguyện của bà con. Vì vậy, về những ý kiến, kiến nghị của bà con với tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm, Chính phủ sẽ quan tâm, xem xét giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nếu vượt thẩm quyền", Thủ tướng chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước