Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế- xã hội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới là gì?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điểm nhấn trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Thủ tướng cũng nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực.
"Nếu cứ tăng trưởng 6-7%/năm thì rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Cho nên chúng ta phải tập trung cho tăng trưởng. Để ưu tiên tăng trưởng thì phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, nguồn lực công tư, nguồn lực của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp" – Thủ tướng cho biết.
Đã có hơn 10 nghìn tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là chủ trương lớn được Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo. Qua rà soát, nước ta hiện còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, các đối tượng theo Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo.
Để xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp là phải thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Về vướng mắc về đất đai, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện theo phương án "không có tranh chấp là được" và thẩm quyền sẽ giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp huyện.
Về vướng mắc thứ 2 là việc huy động nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ cần đa dạng hóa nguồn lực. Về nhân lực, gia đình người được thụ hưởng cũng có thể góp công góp của. Lực lượng quân đội và công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Bên cạnh đó là huy động nguồn xã hội hóa.
Thủ tướng cho biết đến nay đã có hơn 10 nghìn tỷ đồng cộng với các chương trình đang bố trí cũng như tiếp tục huy động để có nguồn lực bổ sung thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai
Tại phiên chất vấn, đại biểu Âu Thị Mai (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Nhân dân và cử tri rất cảm động, đánh giá cao cách ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhân văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi xảy ra thiên tai, rõ nét nhất là việc ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua.
“Để kịp thời động viên tinh thần đồng bào để vượt qua khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao. Tuy nhiên, nhân dân và cử tri mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới” - đại biểu Mai đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Âu Thị Mai (tỉnh Tuyên Quang)
Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan.
"Đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, chúng ta cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện. Chúng ta cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Thứ 2 là hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng với yêu cầu mới và nhiều vấn đề phát sinh" – Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, về vấn đề huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, qua đó có thể kêu gọi các nguồn lực từ các đối tác.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!