Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về công tác phòng chống bão ngay trước giờ khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: TTXVN
Sáng nay, trước khi bước vào Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có những chỉ đạo về công tác ứng phó với cơn bão số 4.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh, dự báo sức gió cấp 13-14, giật cấp 16 và sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền ở khu vực miền Trung. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các tỉnh, thành miền Trung tập trung, dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống lụt bão, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, theo dõi sát diễn biến của cơn bão, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương.
Thủ tướng cũng cho biết đã gọi điện cho lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khu vực ở miền Trung để nắm tình hình và chỉ đạo phòng, chống bão, được biết tại các địa phương vẫn trời quang, mây tạnh. Do đó, người dân rất dễ nhầm lẫn về mức độ của bão, trong khi theo kinh nghiệm trước khi bão đổ bộ, trời quang, mây tạnh lại thường là bão lớn.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tăng cường phòng chống bão số 4. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: rà soát kỹ, kêu gọi bằng được tàu thuyền, ngư dân vào nơi neo đậu an toàn, không ra khơi đánh bắt hải sản trong vài ngày tới. Kiểm tra kỹ, có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, an toàn đê điều, hồ đập, lồng bè thuỷ hải sản...
Thủ tướng cũng lưu ý sau bão thường có mưa lớn nên phải đặc biệt chú ý đề phòng sạt lở đất, lũ quét, có phương án di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cơ quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bão. Tối qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có mặt tại miền Trung để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4.
Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bão số 4 được đánh giá là một cơn bão di chuyển nhanh và rất mạnh. Từ Đà Nẵng đến Bình Định sẽ có mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai ở mức cấp 4, mức hiếm khi được dùng trong công tác dự báo cảnh báo thiên tai.
Dự báo đường đi của bão, cập nhật lúc 8h sáng 26/9/2022.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020).
Trước khi đổ bộ Philippines, bão đạt cấp 15-16, giật trên cấp 17. Khi di chuyển trên đất liền Philippines, bão đã suy yếu khoảng 2-3 cấp do ma sát với địa hình. Nhưng vào Biển Đông, bão được dự báo sẽ có quá trình mạnh trở lại, đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cường độ có thể đạt cấp 13-14; giật trên cấp 16.
Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 12-13, giật cấp 15; khi ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 11-12, giật cấp 14.
Việt Nam và các trung tâm dự báo bão quốc tế như Nhật Bản, Hong Kong, Mỹ, Trung Quốc đều có chung nhận định về hướng di chuyển của bão. Tức là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Thừa Thiên Huế - Bình Định từ khoảng đêm 27/9 sang ngày 28/9.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!