Tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế chống lãng phí

Liên Liên, Đặng Tú, Minh Đức, Văn Tùng-Thứ ba, ngày 17/12/2024 20:46 GMT+7

VTV.vn - Cần rà soát các quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn để chống lãng phí hiệu quả.

Có đến 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí, là số liệu qua giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đáng lưu ý là dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm.

Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư. Có những dự án phải điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao hơn nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Thực tế này cho thấy sự ảnh hưởng của lãng phí tới nền kinh tế và sự bất cập của quy định pháp luật có liên quan.

Tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế chống lãng phí - Ảnh 1.

Dự án chống ngập ở 6 cửa sông đã được triển khai theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Ngập lụt đã trở thành mối đe dọa của Thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi có triều cường. Vì vậy cách đây 8 năm, dự án chống ngập ở 6 cửa sông đã được triển khai theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đến nay, phần lớn các hạng mục xây dựng chính đã hoàn thành trên 90%, thế nhưng công trình vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm và chế tài xử lý ra sao trước tình trạng kéo dài, lãng phí này. Về hành lang pháp lý, một trong những cơ sở quan trọng trong việc chống lãng phí đó là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng đầu tư bỏ hoang gây lãng phí như nhiều dự án, công trình thời gian qua, giải pháp cần được chú trọng đó là chế tài.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương: ''Chế tài trong đó chưa nghiêm, chính vì thế khâu thực thi trong thời gian vừa qua của chúng ta tính hiệu quả chưa cao. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới chúng ta cần sửa luật này''.

Trên thực tế khi chúng ta triển khai Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn mang tính chất hình thức là nhiều, mang tính chất thủ tục, mang tính chất báo cáo cho đúng quy trình, đúng các quy định, còn bản chất là mỗi lần báo cáo như thế, mỗi 1 năm tổng kết như thế, người ta đã nhìn xem ở địa phương, ở cơ quan, ở đơn vị mỗi một vùng có những yếu tố nào là lãng phí, những gì tồn tại thì hành động năm sau đã tập trung vào chuyện đấy chưa thì chưa có'', ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam nhận định.

Trung bình mỗi năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện khoảng 250 cuộc kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, đây cũng chính là sự lãng phí nguồn lực của xã hội.

Ngoài các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cơ chế, thời gian gần đây, để chống lãng phí, một số địa phương đã có những nỗ lực, hướng xử lý đối với các dự án chậm tiến độ nhiều năm như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh. Theo đó, các địa phương đã thu hồi đất, bãi bỏ các quyết định giao đất hay như thay đổi phương thức đầu tư.

Liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu TP Hồ Chí Minh tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Dự án. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền cần chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án khả thi, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án, báo cáo Thủ tướng chính phủ trước ngày 20/12.

Chống lãng phí - Cuộc chiến chống giặc 'nội xâm' cam go và phức tạp Chống lãng phí - Cuộc chiến chống giặc "nội xâm" cam go và phức tạp

VTV.vn - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, phòng chống lãng phí phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và với nhiều giải pháp hữu hiệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước