Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Kỳ vọng đẩy lùi nạn nội xâm

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 21/09/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Việc lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương được nhân dân chờ đợi và kỳ vọng hạn chế được nhũng nhiễu, tiêu cực vốn gây ra nhiều nhức nhối, hệ lụy.

Quyết liệt, nghiêm minh xử lý cán bộ vi phạm ở các địa phương

Dự án khu dân cư Phú Nhân Nghĩa được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2015. Thế nhưng, khi triển khai xây dựng, đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã tự ý phân 38 khu vực kinh doanh bên trong tầng một trung tâm thương mại thành hơn 350 ki-ốt bán hàng.

Sau khi kiểm tra dấu hiệu vi phạm và những sai phạm được chỉ rõ, mới đây, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ liên quan.

Không chỉ thế, ông Phạm Đăng Nhật - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên cũng bị xem xét kỷ luật vì liên quan trong việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Kỳ vọng đẩy lùi nạn nội xâm - Ảnh 1.

Điều này cho thấy sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý cán bộ vi phạm, ngay cả đối với những người làm công tác phòng chống tham nhũng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp của Hà Tĩnh đã tiến hành thi hành kỷ luật đối với 14 tổ chức đảng và 1.751 đảng viên vi phạm. Trong đó có 8 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Và từ giữa năm nay, khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tỉnh này được thành lập, chắc chắn công tác này sẽ quyết liệt và bài bản hơn nữa.

Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cũng là một trong những điểm nóng nhất về cơn sốt phân lô bán nền ở các tỉnh phía Nam. Ở huyện Cam Lâm, có đến 114 trường hợp hiến đất tự ý làm đường, tách thửa. Số thửa được tách là hơn 2.300 thửa với tổng diện tích hơn 57 ha.

Chiêu thức hiến đất mở lối đi khi thực hiện thủ tục tách thửa đã phá vỡ quy hoạch giao thông, hạ tầng, tăng nóng tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kéo theo hàng loạt hệ lụy gây bất ổn cuộc sống người dân.

Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa: Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm hai nhiệm kỳ vừa qua đã vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra giám sát, để Ủy ban nhân dân huyện tự đặt thủ tục hiến đất làm đường không đúng thẩm quyền; để nhiều cán bộ chủ chốt của huyện vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm bị kỷ luật cảnh cáo. Và một số cán bộ lãnh đạo bị cách tất cả chức vụ trong Đảng.

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Kỳ vọng đẩy lùi nạn nội xâm - Ảnh 2.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với 15 thành viên. Hơn hai tháng qua, bộ máy hoạt động của Ban Chỉ đạo nhanh chóng được kiện toàn. Bên cạnh tiếp tục giám sát những vụ việc đã được xử lý như trường hợp vi phạm quản lý đất đai ở huyện Cam Lâm, có 10 vụ việc, vụ án đang được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Khánh Hòa theo dõi.

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tại 63 tỉnh thành

Sau gần 4 tháng kể từ khi địa phương đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đầu tiên, tới nay Ban Chỉ đạo tại 63 tỉnh, thành đều đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó: Tuyên Quang (12 vụ), Nghệ An (11 vụ), Hải Phòng (10 vụ), Bắc Giang (9 vụ), Cần Thơ (8 vụ), Thanh Hóa (8 vụ), Sơn La (7 vụ), Phú Thọ (6 vụ), Hà Nội (5 vụ)... Có 20 địa phương đã khởi tố 23 vụ án/63 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Kỳ vọng đẩy lùi nạn nội xâm - Ảnh 3.

Việc lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương đã được nhân dân chờ đợi và kỳ vọng sẽ đẩy lùi được nạn nội xâm trên phạm vi cả nước, đặc biệt có thể hạn chế được nhũng nhiễu, tiêu cực và tham nhũng vặt ở cơ sở, vốn gây ra nhiều nhức nhối và hệ lụy.

Đây cũng là bước tiến quan trọng để Đảng, Nhà nước và chính quyền gần nhân dân hơn, mặt khác cũng là điểm tựa để nhân dân cùng tham gia góp sức vào cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức hiện nay.

Đây là một thành tựu, góp phần xóa được tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Lâu nay cứ có việc nào Ban Chỉ đạo Trung ương vào cuộc thì mới có tiến triển, còn có rất nhiều vụ "chìm xuồng". Bây giờ đã triển khai xuống đến cấp tỉnh và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định rất rõ ràng. Nếu phát hiện ở địa phương có những vụ việc mà ban chỉ đạo địa phương không phát hiện được, không xử lý được thì rõ ràng là trách nhiệm chưa hoàn thành.

PGS.TS. LÊ VĂN CƯỜNG, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng

Tuy nhiên, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, bên cạnh những địa phương tích cực, còn một số địa phương rơi vào trạng thái lúng túng, hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Có địa phương, vừa kiện toàn Ban Chỉ đạo xong thì lại phát hiện thành viên Ban Chỉ đạo, thậm chí là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh mắc sai phạm. Điều này cho thấy, việc lựa chọn cán bộ để đưa vào Ban Chỉ đạo không nhất thiết phải là cơ cấu cứng, mà còn phụ thuộc vào trình độ, năng lực, đặc biệt là phẩm chất đạo đức trong sáng, không vi phạm.

Để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thông suốt, hiệu quả

Theo báo cáo vừa được công bố, tính đến tháng 9 năm nay, tỷ lệ tội phạm tham nhũng, chức vụ vẫn tăng trên 33%.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, ngoài lựa chọn được các nhân tố đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, điều quan trọng là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải có cơ chế hoạt động đồng bộ, thông suốt và đặt dưới sự theo dõi, giám sát, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương. Bên cạnh đó, cần sớm tháo gỡ những khó khăn trước mắt, để hoạt động được hiệu quả ngay từ những tháng đầu thành lập.

Một điều quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh là quá trình chống tham nhũng, tiêu cực, một mặt để củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhưng mặt khác, phải đặc biệt coi trọng sự tham gia của nhân dân trong công tác này.

Hầu hết những vụ tham nhũng lớn đều do dân phát hiện, từ dân phát hiện ra. Tôi cho rằng cần phải có những đại diện của các tầng lớp nhân dân ở trong Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức nặng nề. Đó là làm sao vừa phải theo dõi, chỉ đạo các vụ việc tại địa phương, vừa áp dụng các kinh nghiệm đã đúc kết được trong 10 năm qua để có thể hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Tất cả các tỉnh thành trong cả nước đã có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng rồi thì cũng phải làm sao cho người ta làm đúng vai, thuộc bài. Nếu như Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh mà lại không gương mẫu, có các cá nhân vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì còn xử lý được ai?! Nếu anh nào mà làm không tốt thì thay luôn. Chúng ta không thiếu gì người cả, nhân tài còn rất nhiều.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh Quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

VTV.vn - Quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh bao gồm 4 Chương và 18 điều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước