Tháng 4/2021, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

PV-Thứ năm, ngày 01/04/2021 07:14 GMT+7

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 4, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên.

VTV.vn - Việc hai lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong một nhiệm kỳ là vinh dự, trọng trách của Việt Nam.

Trong tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai, đồng thời cũng là kỳ Chủ tịch cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021.

Việc hai lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong một nhiệm kỳ là vinh dự, trọng trách của Việt Nam, cũng là cơ hội ghi dấu ấn Việt Nam với HĐBA nói riêng, với cộng đồng quốc tế nói chung.

Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 4/2021, Việt Nam dự kiến thúc đẩy 3 ưu tiên cụ thể. Đó là tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn; bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Ở ưu tiên thứ nhất, Việt Nam quyết định tổ chức sự kiện nhằm tiếp tục thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực cũng như hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, trong tiến trình duy trì hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong ngăn ngừa xung đột nói riêng.

Việc đưa ra ưu tiên này cũng nhằm triển khai cụ thể chính sách đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; kế thừa và tiếp nối những kết quả thành công đạt được trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và sáng kiến của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần thứ nhất (tháng 1/2020) khi tổ chức phiên họp lần đầu tiên của Hội đồng Bảo an với chủ đề "Hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN".

Ở ưu tiên thứ hai, khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn, ưu tiên này được gắn với Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn 4/4 hằng năm.

Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề này sẽ thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực mà Việt Nam và nhiều nước quan tâm; từ đó có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an 2020-2021, thể hiện tính nhân văn và đề cao khía cạnh nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả bom mìn; nâng cao nhận thức chung, thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, qua đó tranh thủ hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam cũng như các nước chịu ảnh hưởng.

Trong ưu tiên thứ ba, bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, việc Việt Nam tham gia tích cực và thúc đẩy sáng kiến về vấn đề này sẽ thể hiện chính sách đối ngoại nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; thể hiện tinh thần, trách nhiệm trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đồng thời, Việt Nam phát huy vai trò tích cực trong vấn đề "Bảo vệ thường dân," một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của quốc tế trong thời gian gần đây tại Hội đồng Bảo an và các diễn đàn quốc tế.

Bên cạnh đó, bảo vệ cơ sở thiết yếu là lĩnh vực chưa được thảo luận một cách tổng thể, đây cũng là cơ hội quý báu để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thu hút sự quan tâm, nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này. Đây cũng là dịp để Việt Nam phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế nói chung và luật nhân đạo quốc tế nói riêng, đóng góp vào các nỗ lực chung về xây dựng hòa bình và thiết lập một nền hòa bình bền vững, là ưu tiên tổng thể của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an.

Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó có hai lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc và với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tạo đà cho việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới. Đây cũng dịp đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ ngoại giao cả về lượng và chất, sẵn sàng đảm nhận những trọng trách mới mà Đảng và Nhà nước giao phó, xứng với tầm vóc, thế và lực của đất nước sau 35 năm Đổi mới.

Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đóng góp vào những nỗ lực chung của Hội đồng Bảo an trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đáp ứng lợi ích chính đáng của các quốc gia, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tốt đẹp hơn.

Tháng 4/2021, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Ảnh 1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước