Đây cũng là nội dung được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Những kết quả tích cực bước đầu đang cho thấy quyết tâm của Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc trên con đường phát triển đất nước.
Kế thừa những thành quả từ các nhiệm kỳ trước, với sự đồng hành, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ sau khi kiện toàn vào tháng 4/2021 đã bắt tay ngay vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trên con đường phát triển đất nước. Sau hơn 3 tháng, trong bối cảnh "vạn sự khởi đầu nan", "khó khăn trăm bề" do dịch bệnh, công tác này vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Hàng trăm chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hư hỏng nặng lâu nay trở thành nỗi lo lắng của người dân và chính quyền Thủ đô.
Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được TP rất quan tâm, xác định là việc cấp bách nhưng kết quả còn khiêm tốn. Những vướng mắc về cơ chế vẫn là rào cản lớn cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69 về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư vào ngày 15/7 vừa qua.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng nhân dân, ngày 22/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 79 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Khi mà các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, chưa theo kịp thực tiễn, đây là một nghị quyết rất quan trọng, cấp thiết nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc, lúng túng cho các bộ ngành, địa phương trong việc mua sắm trang thiết bị trường hợp cấp bách.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về việc mua vaccine phòng COVID-19. Nhấn mạnh, đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Chỉ trong hơn 3 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 70 Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Quyết định… với nhiều nội dung giải quyết những vướng mắc hết sức cụ thể trong thực tiễn.
Xác định hoàn thiện, xây dựng thể chế, cơ chế là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thế nên trong tất cả các cuộc làm việc với các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt và yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này, kịp thời phát hiện và xử lý những quy định trái pháp luật.
Cuối tháng 6 vừa qua, trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các thông tư, quy định thuộc thẩm quyền. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung ngay. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần chuẩn bị bài bản, đúng quy trình, quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.
Kết luận số 07 của Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.
Ngày 16/4, ngay trong Nghị quyết về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Trong các cuộc họp sau đó, Thủ tướng đã giao trực tiếp nhiệm vụ này cho các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, yêu cầu đầu tư nguồn lực con người và kinh phí, phương tiện cho công tác hoàn thiện thể chế, gỡ vướng chính sách. Nói đi đôi với làm, chỉ sau hơn 3 tháng, qua hơn 30 nghị định, nghị quyết được ban hành, nhiều vướng mắc, tồn đọng đã được giải quyết, nhiều điểm nghẽn được khơi thông để tạo nguồn lực cho sự phát triển.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dù đất nước ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ nhưng quy mô nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả cạnh tranh kinh tế chưa cao. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu thịnh vượng, động lực phải đến từ cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế, để khơi thông những điểm nghẽn, huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!