Tạo xung lực mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ

PV-Thứ sáu, ngày 02/08/2024 21:43 GMT+7

VTV.vn -Chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng đến Ấn Độ đã thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu đề ra với những kết quả cụ thể, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm và mong đợi.

Rạng sáng nay, (2/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ. Chuyến thăm của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo xung lực mới và mở ra một trang mới thực chất và sâu rộng hơn, với nhiều cơ hội hơn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Narendra Modi mời thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp. Và đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Vượt xa những khuôn khổ ngoại giao thông thường, sự chào đón nồng hậu, trọng thị, thân tình của Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Droupadi Murmu, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Jagdeep Dhankhar dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt của các nhà lãnh đạo Ấn Độ đối với Việt Nam. Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, tình đoàn kết mạnh mẽ và hữu nghị sâu sắc giữa hai nước càng được khẳng định qua sự sẻ chia mà các nhà Lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ đã gửi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, lãnh đạo hai bên nhất trí sẽ tiếp tục trân trọng, gìn giữ, củng cố, tăng cường quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ với tư cách là những người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung son sắt, cùng sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài lịch sử, hiện tại và trong tương lai. Thủ tướng đã chuyển lời thăm hỏi thân tình, chúc sức khỏe của Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Tổng thống và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ cũng trân trọng chuyển lời mời Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Ấn Độ.

Ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: "Các cuộc gặp, tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ với Lãnh đạo Ấn Độ đã giúp khẳng định tình cảm hữu nghị gắn bó và mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai nước đã có từ lâu đời, cũng như khẳng định sự coi trọng và ủng hộ mà hai nước dành cho nhau trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước".

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định: "Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ đã giải quyết vấn đề căn bản, những vấn đề lớn đều đã được đặt trên bàn của các lãnh đạo cấp cao. Hai bên đã thống nhất thúc đẩy để hai bên sớm có Hiệp định thương mại tự do song phương, đồng thời thống nhất hợp tác trong các ngành công nghiệp trọng điểm nhất là ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp năng lượng và hóa chất".

"Chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ. Việt Nam là đối tác rất quan trọng, là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Chúng tôi có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đó là một mối quan hệ rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ về mặt chính trị mà còn về kinh tế và cả quan hệ nhân dân hai nước" - bà Nutan Kapoor Mahawar, Trợ lý Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ cho biết.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm là hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ và ký 9 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Narendra Modi và Lãnh đạo Ấn Độ đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước trên tinh thần "Năm hơn", đó là tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh sâu sắc hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, đột phá hơn; hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn. Trong chuyến thăm, nhiều thông điệp quan trọng về tầm nhìn và triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trước nhiều nhà ngoại giao, học giả, chuyên gia Ấn Độ khi phát biểu chính sách tại Hội đồng Các vấn đề thế giới của Ấn Độ, và trong các cuộc gặp với nhiều chính trị gia, lãnh đạo các chính đảng Ấn Độ.

TS. Sripathi Narayanan, Chuyên gia phân tích về chính sách đối ngoại và an ninh của Ấn Độ chia sẻ: "Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ bản chất của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, và cách thức hai nước nên hợp tác cùng nhau trong tương lai. Đó là hướng tới hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống cũng như các công nghệ mới nổi trong tương lai của Ấn Độ, như AI, cơ khí hóa. Hai nước cũng thống nhất rằng mô hình phát triển phải mang tính toàn diện và bền vững không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả sinh thái".

Ông Atul Aneja, Cố vấn Viện Tầm nhìn châu Á, Ấn Độ cho biết: "Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam rất tích cực. Theo tôi, ngay cả mối liên hệ nhân dân mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đề cập tới cũng rất có ý nghĩa. Thủ tướng đã nói về mối quan hệ xa xưa của chúng ta khi Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam. Tinh thần bình đẳng hoặc phúc lợi là những ý tưởng sâu sắc mà Ấn Độ và Việt Nam cùng chia sẻ. Vì vậy, tôi nghĩ cuộc gặp gỡ và buổi nói chuyện hôm nay tại ICWA của Thủ tướng rất tuyệt vời".

Một điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Ấn Độ, trên cơ sở phát huy nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp để hình thành, triển khai các dự án cụ thể, khả thi, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu Ấn Độ trong các lĩnh vực hạ tầng, logistics, năng lượng, dược phẩm, phát triển hành lang công nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin. Nhiều doanh nghiệp xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam, như tập đoàn Adani khẳng định cam kết đầu tư khoảng 10 tỷ USD tại Việt Nam trong những năm tới, hay tập đoàn dược phẩm SMS Pharmaceuticals có kế hoạch xây dựng một công viên dược với tổng vốn 4-5 tỷ USD trong 10 năm tới. Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng hoanh nghênh và khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Chúng tôi rất vinh dự được gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày hôm nay tại New Dehli. Đây là sự khẳng định cho những cảm kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mời gọi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chúng tôi cảm thấy được động lực rất lớn. Chúng tôi đang kỳ vọng rất lớn vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng trong thời gian tới tại Việt Nam" - ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Công ty Cảng Quốc tế, Tập đoàn Adani, Ấn Độ cho biết.

Nhấn mạnh việc đầu tư vào Việt Nam trong ngành dược là lựa chọn thông minh, song Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng là "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể", làm ra sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ tốt, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, góp phần hình thành hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam, trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển" giữa các chủ thể.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: "Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tổ chức thành công Diễn đàn này với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp, là những doanh nghiệp rất quan tâm vào thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực họ có thế mạnh. Thủ tướng cũng chỉ đạo thành lập ngay các tổ công tác để cùng với họ trong quá trình tìm hiểu, lập hồ sơ dự án sẽ giúp họ nhanh chóng làm đúng quy định của pháp luật Việt Nam nhưng rút ngắn được thời gian, sớm triển khai và thu hút được các đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam".

Ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định: "Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm cao của Lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, thiết thực và hiệu quả hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn".

Chỉ trong hai ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc, phong phú, đa dạng, với khoảng 25 hoạt động. Chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng đến Ấn Độ đã thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu đề ra với những kết quả cụ thể, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm và mong đợi của cả hai nước. Chuyến thăm tiếp sức cho những lĩnh vực, động lực hợp tác truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ những lĩnh vực, động lực hợp tác mới, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước