Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản, với sự tham gia của 400 người. Hoạt động này do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Nikkei - một Tập đoàn truyền thông lớn, có uy tín trên thế giới tổ chức. Với tiêu đề "Tầm nhìn về phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh châu Á", bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn lại sự phát triển, tương lai của mối quan hệ giữa hai nước. Tổng Bí thư tin tưởng: quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển, trở thành mối quan hệ "tâm đầu ý hợp", "tin cậy" và "đồng cảm".
Trở lại lịch sử cách đây hàng trăm năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan hệ hai nước đã được xây dựng từ rất lâu trên nền tảng của giao lưu văn hóa, thương mại và cả những mối lương duyên đầy ý nghĩa. Vào thế kỷ 17 và 18, có rất nhiều thương nhân Nhật Bản đến đô thị cổ Hội An buôn bán, sinh sống và xây dựng nhiều công trình mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản. Đến đầu thế kỷ 20, những chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh sang Nhật tìm đường làm Cách mạng đã phần nào thể hiện mong muốn học hỏi của người Việt từ những thành công của Nhật Bản thời cận đại. Trước đó, vào năm 1622, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả công chúa Ngọc Hoa cho thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro, người sau này được phong làm Hoàng thân và mang tên Việt là Nguyễn Đại Lượng.
Điểm lại những dấu ấn thành công trong hợp tác giữa hai nước từ chính trị, kinh tế đến văn hoá và giao lưu nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hợp tác kinh tế là một điểm sáng nổi bật. Cho đến nay, Nhật Bản đã đóng góp tới 30% trong tổng số 90 tỷ USD vốn ODA dành cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có xu hướng ưu tiên và sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản là trên 37,5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt mốc 30 tỷ USD trong năm nay. Nhật Bản cũng là nước đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Quan hệ chính trị tin cậy giữa hai nước ngày càng được tăng cường, đến nay hai nước đã đạt được khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Trao đổi văn hoá và giao lưu nhân dân được thúc đẩy mạnh mẽ với những hình thức rất phong phú, đa dạng.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc diễn biến của khu vực và thế giới hiện nay với những thách thức và cả cơ hội trong phát triển kinh tế đến những nguy cơ căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, trong đó tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Tổng Bí thư nhấn mạnh hầu hết những bất đồng về chủ quyền biển đảo vốn tồn tại từ lâu nhưng tình hình trở nên căng thẳng trong những năm gần đây là do cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp. Tổng Bí thư phân tích trong thế giới toàn cầu hoá, lợi ích của các quốc gia càng gắn liền với nhau, các thách thức nổi lên cũng là thách thức chung cho nhiều nước. Vì vậy, mỗi quốc gia càng cần thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, Tổng Bí thư cũng bày tỏ ý kiến ủng hộ Nhật Bản xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đề cập những thành tựu trong 30 năm đổi mới, giới thiệu một số nội dung chính của Đại hội Đảng 12 tới đây, về chính sách đối ngoại. Từ những bài học rút ra trong lịch sử, từ thực tế kết quả của quan hệ hợp tác song phương trong mấy thập kỷ qua, đến bối cảnh khu vực và thế giới đặt cùng với chính sách phát triển của Việt Nam, Nhật Bản trong những năm tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những nội dung chính về tầm nhìn cho phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Về tăng cường tin cậy chính trị, Tổng Bí thư nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy các cơ chế hợp tác đối thoại hiện có giữa hai nước. Cùng với sự tin cậy chính trị, quan hệ kinh tế giữa hai nước tiếp tục là điểm nhấn quan trọng trong tầm nhìn chung Việt Nam - Nhật Bản.
Về mở rộng hợp tác, Tổng Bí thư cho biết hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác một cách thực chất trong nhiều lĩnh vực khác như văn hoá, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu,… tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, hợp tác về pháp luật và tư pháp, đồng thời, cũng cần đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã tiếp ông Naotoshi Okada, Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Nikkei. Là một tập đoàn truyền thông hàng đầu của Nhật Bản, Tập đoàn Nikkei đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại giữa chính giới, học giả, nhân dân các nước trong khu vực về các vấn đề liên quan đến an ninh, hoà bình và phát triển ở châu Á, đặc biệt là qua diễn đàn "Tương lai châu Á" được tổ chức hàng năm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.