Tại các tổ, đa số đại biểu đồng tình và đánh giá cao, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế với các thay đổi hướng tới việc mở rộng quyền lợi và giảm thủ tục cho người bệnh. Trong đó, việc bỏ thủ tục chuyển tuyến cho các bệnh nặng, hiểm nghèo và mở rộng thanh toán chi phí khám chữa bệnh là những điểm thay đổi thiết thực bảo vệ quyền lợi của người dân.
"Tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã chuẩn bị 4 chính sách, trong đó đặc biệt có 2 chính sách tôi thấy rất hay đó là điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng. Nếu mà làm được việc này là quá tốt. Còn thứ hai là điều chỉnh theo cấp chuyên môn khám bệnh. Tôi cho đây là 2 nội dung rất hay", ông Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nêu ý kiến.
Cho rằng, việc sửa đổi luật này giúp cải thiện hệ thống bảo hiểm y tế. Một số đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh một số quy định hiện hành đề phù hợp với luật này.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
"Nếu bỏ giấy chuyển đi, thì bệnh nhân ùn ùn đổ lên tuyến trung ương chuyên sâu, thì lên đây không có bác sĩ nào khám nổi. Hai hậu quả thấy rõ trước mắt, một là triệt tiêu y tế cơ sở, hai là vỡ trận ở y tế chuyên sâu. Tôi đề nghị nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì nên bỏ cấp ban đầu, cơ bản, nếu chuyển chuyên sâu phải có giấy chuyển tuyến", ông Nguyễn Tri Thức (đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm.
"Việc mở rộng quyền lợi hưởng thêm nữa phải hết sức cân nhắc, tính toán. Chính vì thế lần này, họp ủy ban tôi cũng nói là cố gắng hạn chế sửa những gì động chạm đến kinh phí, đến chi vì cần có đánh giá tổng thể cân đối quỹ, chỉ tập trung sửa những gì cho việc đồng bộ luật khám chữa bệnh là chủ yếu, nhưng Chính phủ tha thiết đề nghị cái này cũng cấp thiết cần đề xuất sửa một số nội dung để tạo sự đồng thuận nhất", ông Đinh Ngọc Quý (đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đề xuất.
"Để phát triển y tế cơ sở, y tế chuyên sâu, chúng ta cần có bài toán đồng bộ, cần có chính sách làm sao đề bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, bệnh nhân đi ngay tại địa phương, không phải đi về Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới khám chữa bệnh được", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định.
Một số đại biểu cũng cho rằng việc đảm bảo quyền lợi cho người dân là cần thiết, nhưng cần đánh giá thêm tác động để cân đối quỹ bảo hiểm y tế và hệ thống y tế.
Trong chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Dữ liệu
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!