Sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968

Theo Báo điện tử Chính phủ-Thứ năm, ngày 02/02/2023 10:39 GMT+7

Bộ Chính trị họp tháng 12/1967.

VTV.vn - Từ thành công về chỉ đạo chiến lược của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho chúng ta bài học lớn để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cách đây 55 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ những thành công về chỉ đạo chiến lược của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho chúng ta bài học lớn để tiếp tục vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một sự kiện mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bởi tác động có ý nghĩa chiến lược của nó đối với chiều hướng đi tới kết thúc chiến tranh theo đúng dự kiến của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện mở đầu một quá trình không thể đảo ngược được: Mỹ rút, ngụy nhào, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Đảng có sự đánh giá tỉnh táo, khách quan

Đảng quyết định phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào đúng dịp Tết Mậu Thân 1968 bởi những lý do sau:

Một là, cuộc chiến tranh cách mạng của quân và dân ta ở miền Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về thế trận và lực lượng. Điều này được thể hiện ở những điểm:

Cho đến cuối năm 1967, tức là gần 3 năm sau khi quân chiến đấu Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam với phương tiện, hoả lực vượt trội, lực lượng áp đảo đông tới gần nửa triệu quân, chưa kể còn có hơn 50.000 quân Đồng minh của Mỹ và hơn nửa triệu quân Sài Gòn, nhưng Mỹ vẫn không thể xoay chuyển được tình thế bị động về chiến lược, không buộc được Quân giải phóng đánh theo cách của Mỹ sau hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. Một thống kê thú vị và rất có ý nghĩa đã được phóng viên chiến trường người Mỹ là Neil Sheehand viết trong cuốn sách được tặng giải thưởng báo chí Pulitzer "Sự lừa dối hào nhoáng- Giôn Pôn Van và nước Mỹ ở Việt Nam" (The brightning lie – John Paul Vann and The America in Vietnam), rằng trong số 400 cuộc đụng độ ghi nhận được trong các năm từ 1965 đến 1967, có tới 2/3 cuộc bên nổ súng trước là Việt Cộng. Điều đó đã minh chứng rõ ràng về quyền chủ động chiến trường thuộc về lực lượng cách mạng cho dù Mỹ có đặt tên cho kế hoạch chiến lược là Tìm và Diệt chủ lực Quân giải phóng.

Mặt khác, Mỹ đã phải thay đổi chiến lược chiến tranh, từ chiến lược chiến tranh đặc biệt chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, với việc quân Mỹ đóng vai trò chủ yếu trên chiến trường miền Nam, đụng độ trực tiếp với lực lượng vũ trang giải phóng, còn quân đội Sài Gòn chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ và bình định.

Chính phủ Mỹ còn quyết định mở rộng không gian chiến tranh, tạo cớ để leo thang ném bom, đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm phá huỷ tiềm lực kinh tế, quân sự của hậu phương lớn, đồng thời ngăn chặn, tiến tới cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Tuy nhiên, Mỹ đã không đạt được mục tiêu đề ra, không tiêu diệt được chủ lực Quân giải phóng, không ngăn chặn được lực lượng, vật chất, phương tiện chiến đấu chuyển từ miền Bắc vào miền Nam ngày càng nhiều, trái lại, Mỹ còn bị tổn thất lớn về sinh mạng binh lính và máy bay. Lực lượng, vũ khí, hoả lực của Mỹ giờ đây bị phân tán ra cả hai miền, không thể tập trung hoàn toàn cho chiến trường chủ yếu là miền Nam.

Đến cuối năm 1967, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam vẫn đứng vững và phát triển, ít bị tổn thất. Tổng quân số đã lên tới hơn 27 vạn người. Vùng giải phóng, cơ sở cách mạng tiếp tục được củng cố và mở rộng. Tất cả những điều nêu trên cho phép có thể tập trung đại bộ phận lực lượng mở cuộc tiến công chiến lược trên không gian rộng lớn nhất, bất ngờ nhất và có quy mô toàn miền Nam.

Hai là, Đảng có sự đánh giá tỉnh táo, khách quan, nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng như bối cảnh quốc tế lúc đó.

Khi Mỹ ồ ạt đưa hàng chục vạn quân vào miền Nam với toan tính sử dụng số lượng quân đông, hoả lực, vũ khí áp đảo để tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam trong một thời gian ngắn, Đảng ta đã bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá, nhận định tình hình, cho rằng: Việc quân Mỹ trực tiếp tham chiến sẽ làm cho cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta khó khăn hơn, ác liệt hơn. Nhưng Mỹ vào trong bối cảnh chiến lược chiến tranh đặc biệt đang có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn và nhằm cứu nguy cho chính quyền và quân đội Sài Gòn được Mỹ dày công xây dựng trong 10 năm qua trước nguy cơ sụp đổ. Mỹ vào trong thế thua, thế bị động nên so sánh lực lượng trên chiến trường cơ bản không có sự thay đổi lớn. Đảng ta và quân dân cả nước vẫn hạ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Một số nước anh em, bè bạn có ý khuyên chúng ta không nên đương đầu với quân Mỹ vì đây là đội quân mạnh nhất thế giới, chưa từng thua trận, Việt Nam nên đàm phán để có được những điều khoản lợi nhất có thể. Đảng, Nhà nước ta lắng nghe những lời khuyên đó nhưng tỏ rõ sự độc lập trong nhận thức, suy nghĩ, chủ trương và hành động. Đảng cho rằng trước hết phải trực tiếp đụng độ với quân chiến đấu Mỹ mới có thể biết được quân Mỹ mạnh, yếu thế nào, có sở trường, sở đoản gì? Nếu quyết tâm đánh Mỹ thì sẽ tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả.

Trên thực tế, chỉ sau hơn 2 tháng khi hai tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng (ngày 8/3/1965), các lực lượng vũ trang Khu V đã chủ động tập kích và tiêu diệt gọn một đại đội quân Mỹ đang đóng dã ngoại tại Núi Thành, Quảng Nam vào ngày 26/5/1965.

Trận đánh thắng Mỹ đầu tiên đó đã cổ vũ, khích lệ rất lớn tinh thần chiến đấu của Quân giải phóng, tạo cơ sở vững chắc cho nhận định có thể đánh được Mỹ. Trận đụng độ tiếp sau xảy ra ở Vạn Tường, Quảng Ngãi khi một đơn vị cấp trung đoàn cùa Quân giải phóng bị số quân Mỹ đông gấp nhiều lần, có vũ khí, phương tiện vượt trội, bao vây cả bốn mặt hòng đánh tiêu diệt vào ngày 18/8/1965. Mặc dù ở vào thế bất lợi nhưng đơn vị Quân giải phóng này đã tổ chức chiến đấu kiên cường, đánh lui nhiều đợt tiến công của quân Mỹ, rút khỏi địa bàn với thương vong không lớn.

Sau trận Vạn Tường, Đảng càng có cơ sở để khẳng định có thể đánh thắng Mỹ. Đến Chiến dịch Plei Me do Quân giải phóng chủ động mở vào cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/1965, gây tổn thất nghiêm trọng cho quân chiến đấu Mỹ, Đảng ta khẳng định hoàn toàn có khả năng đánh thắng quân Mỹ.

Như vậy, trải qua thực tế đương đầu trực tiếp với quân Mỹ, các cấp lãnh đạo và quân dân miền Nam đã bước đầu hiểu rõ chỗ mạnh, yếu, sở trường, sở đoản của kẻ thù để xác định cách đánh phù hợp, hiệu quả, hạ quyết tâm chiến lược đánh đòn quân sự quyết định xoay chuyển cục diện chiến tranh và giữ vững quyền chủ động chiến trường.

Đến cuối năm 1967, chính quyền Mỹ đang có sự lưỡng lự về chiến lược, sau khi đã cố gắng dồn sức mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 mà không đạt mục tiêu đề ra, là có nên mở tiếp cuộc phản công lần thứ ba hay không, có tiếp tục đưa thêm hơn 206.000 quân Mỹ theo đề nghị của Tổng chỉ huy Westmoreland nữa hay không... Nắm bắt được tình thế "tiến thoái lưỡng nan" đó của Mỹ, Đảng ta đã chọn đúng thời điểm quyết định phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy một cách bất ngờ nhất, đánh thẳng vào các mục tiêu mạnh nhất, rắn nhất của địch, đó là các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng…

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn nhất này nhằm chứng tỏ với Mỹ rằng Quân giải phóng miền Nam còn đủ sức mạnh để đánh đồng loạt vào những nơi mạnh nhất của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn; rằng cho dù Mỹ có tiếp tục thực hiện cuộc phản công nữa hay tiếp tục đổ thêm quân vào miền Nam, thì thế trận trên chiến trường cũng không thay đổi như mong muốn của Mỹ.

Đây chính là đòn cân não có ý nghĩa quyết định của Đảng và đã đạt được mục đích đề ra là làm cho chính quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng được quân dân miền Nam bằng sức mạnh quân sự.

Ý chí tiếp tục chiến tranh với cường độ cao của Mỹ đã bị lung lay nghiêm trọng. Điều này thể hiện rõ chủ trương của Đảng là không đánh tiêu diệt lớn quân Mỹ (trên thực tế cũng rất khó đánh tiêu diệt gọn các đơn vị Mỹ), mà tập trung lực lượng đánh cho quân Mỹ phải luôn bị động đối phó, phải đánh theo cách đánh của quân ta và phải tính đến giải pháp khác để kết thúc cuộc chiến.

Bối cảnh quốc tế lúc đó cũng khá thuận lợi cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Liên Xô, Trung Quốc đều thống nhất rằng phải giúp đỡ, viện trợ nhiều cho Việt Nam đánh Mỹ để bảo vệ tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam châu Á. Bên cạnh đó, cuộc kháng chiến chính nghĩa chống xâm lược của nhân dân ta đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hoà bình, dân chủ và công lý trên thế giới. Điều đó cũng tạo thêm cơ sở để Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968.

Sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược

Ba là, Đảng ta đã vận dụng và phát huy một cách sáng tạo kinh nghiệm tác chiến ở đô thị từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), quân và dân ta đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm tác chiến ở chính mảnh đất Sài Gòn (bắt đầu từ ngày 23/9/1945); ở Nha Trang (từ 19/10/1945); ở Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn (từ 20/11/1946); đến cuộc nổ súng đồng loạt ở Hà Nội và các đô thị Bắc vĩ tuyến 16 mở đầu toàn quốc kháng chiến (từ 19/12/1946)… Vì thế, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 chính là sự tiếp tục kinh nghiệm tác chiến trong thành phố trong bối cảnh mới, với đối tượng tác chiến mới, quân và dân miền Nam đã có sự lớn mạnh về lực lượng, cách đánh từ bên ngoài vào và hoàn toàn chủ động về thời điểm và mục tiêu tiến công.

Ý tưởng về mở một cuộc tổng tiến công với mục tiêu chủ yếu nhằm vào đô thị để giành thắng lợi đã được Đảng nghĩ đến từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, khi chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản bởi 3 nội dung trụ cột của chiến lược này đều không thực hiện được.

Đó là sự mất ổn định, rệu rã của chính quyền Sài Gòn do mâu thuẫn, đảo chính triền miên; do bị tác động bởi phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân miền Nam ở cả nông thôn và thành thị. Đó là sự kém hiệu quả trong tác chiến và tổ chức, xây dựng lực lượng của quân đội Sài Gòn. Đó là sự thất bại, phá sản của quốc sách ấp chiến lược nhằm bình định nông thôn miền Nam. Tuy nhiên, do quân chiến đấu Mỹ được gấp rút đưa sang miền Nam với số lượng lớn nên thời cơ để mở cuộc tổng tiến công đã không còn thuận lợi và điều kiện để giành thắng lợi cũng bị ảnh hưởng.

Bốn là, năm 1968 là năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trở thành năm nhạy cảm trong chính trường nước Mỹ, nếu quân và dân ta đánh mạnh và thắng giòn giã sẽ có tác động rất lớn.

Đảng ta đã xem xét nội tình nước Mỹ và cho rằng, nếu Tổng thống Johnson muốn tái cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai thì ông ta phải giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam theo hướng Mỹ phải chứng tỏ trên thực tế sự thắng lợi rõ ràng trong cuộc chiến tranh hao người, tốn của này. Vì thế, Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nhằm buộc chính quyền Mỹ phải thể hiện rõ chủ trương và quyết định dứt khoát về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Bởi đây là vấn đề rất hệ trọng mà đông đảo người dân-cử tri Mỹ quan tâm, nhất là khi đã có gần nửa triệu quân Mỹ ở Việt Nam cùng với một số lượng khổng lồ vũ khí, tiền của nhưng sau gần 3 năm, tình hình vẫn không sáng sủa, khiến làn sóng phản đối cuộc chiến tranh ở trong lòng nước Mỹ ngày càng lên cao.

Kết quả của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã thể hiện rõ tính toán của Đảng ta. Ngày 31/3/1968, đúng hai tháng sau đêm nổ ra cuộc tổng tiến công, Tổng thống Johnson đã phải lên đài truyền hình công bố 3 quyết định quan trọng vào bậc nhất cuộc chiến tranh và trong cuộc đời làm chính trị của ông ta: Một là hạn chế ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc (đến ngày 31/10/1968 thì chấm dứt ném bom trên toàn miền Bắc); hai là đề nghị Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán không điều kiện để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh; ba là quyết định không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai do sự thất vọng về cách thức điều hành và kết quả của cuộc chiến mất lòng dân, hao người, tốn của, bị phản đối dữ dội trên khắp nước Mỹ.

Những quyết định trên cho thấy Tổng thống Johnson đã thừa nhận thất bại. Và chính sự thừa nhận thất bại đó của người đứng đầu nước Mỹ lại càng minh chứng cho nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh và quyết định sáng suốt, táo bạo phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của Đảng ta, mở ra cơ hội thực tế: Đánh cho Mỹ rút, đánh cho ngụy nhào.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước