Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã để bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 12/07/2023 17:44 GMT+7

VTV.vn - Đây là mục tiêu của Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 vừa được UBTVQH biểu quyết tán thành thông qua.

Phấn đấu đến 2030, các ĐVHC cấp huyện, xã được sắp xếp phù hợp chiến lược phát triển

Chiều 12/7, tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã. Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến 31/12/2022 đã giảm 648/706 (91,8%) cán bộ, công chức cấp huyện; 7.741/9.705 (79,8%) cán bộ, công chức cấp xã), giảm chi ngân sách nhà nước (giảm 2.008,63 tỷ đồng)…

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã để bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được nêu trên, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như số lượng ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định còn nhiều, việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư chưa kịp thời, việc bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư tại một số địa phương còn nhiều bất cập…

"Những vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính sách và quy định của pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, khó khăn trong quá trình thực hiện ở các địa phương" – bà Trà cho biết.

Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, và thực hiện nhiệm vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc Chính phủ xây dựng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 là cần thiết.

Mục đích của sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các ĐVHC cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị quyết theo thủ tục rút gọn đồng thời với quá trình xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Sắp xếp ĐVHC để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành Nghị quyết. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã để bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật tán thành 6 nguyên tắc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã được nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Để bảo đảm tính thống nhất giữa nguyên tắc sắp xếp ĐVHC với các trường hợp không bắt buộc sắp xếp và tiêu chuẩn của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội để có cách thể hiện chính xác và thống nhất.

Bên cạnh đó, từ ý kiến của cử tri, ý kiến của một số địa phương, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị trong các giai đoạn sau này, cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp xử lý, sắp xếp cả đối với những ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp, Ủy ban Pháp luật tán thành việc quy định các đơn vị này phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, so với giai đoạn 2019 - 2021, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030 đặt ra không ít thách thức do số lượng ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều, các ĐVHC hình thành sau sắp xếp, nhất là các ĐVHC đô thị cần đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn nhằm bảo đảm chất lượng đô thị, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành trung ương và sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền địa phương các cấp trong triển khai thực hiện thì mới hoàn thành được mục tiêu sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 – 2030 được Bộ Chính trị đề ra.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, bám sát Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để thông qua.

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã để bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đạt được rất nhiều mục tiêu. Trong đó, phải giảm đơn vị hành chính góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, giảm được chi tiêu cho ngân sách; mục tiêu hướng đến là tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước là quan trọng nhất. Đồng thời, tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, vừa đảm bảo được khả năng tiếp cận và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, nhất là y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước