Chiều nay (13/1), chủ trì Cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương: tư tưởng phải thông, nhận thức phải thống nhất, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn và hành động phải quyết liệt để triển khai bằng được các cam kết.
Tại Hội nghị COP26 diễn ra vào đầu tháng 11 năm ngoái ở Anh, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030 và Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Các cam kết của Việt Nam đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn lớn đánh giá rất tích cực và đã cam kết, ký kết hợp tác với Việt Nam, như Tập đoàn Lego quyết định đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy trung hòa carbon tại Việt Nam, Tập đoàn HSBC cũng có thư cam kết gói 12 tỷ USD để tham gia hỗ trợ Việt Nam.
Sau khi nghe các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình cam kết của Việt Nam tại COP26, phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là chương trình rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kế hoạch 5 năm, 10 năm về phát triển đất nước nhanh và bền vững để đạt được các mục tiêu vào năm 2030 và 2045. Đồng thời, phù hợp với chương trình tái cơ cầu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Thủ tướng cho rằng, dù khó khăn đang nhiều hơn thuận lợi nhưng phải quyết tâm triển khai bởi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề và lớn nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự hỗ trợ của các nước. Là vấn đề tác động đến toàn dân nên phải có các tiếp cận toàn dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành, địa phương phải có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện, rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực về tài chính, về công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh nghiệm quản lý. Nhu cầu của Việt Nam đưa ra phải khớp với khả năng của các đối tác, nhất là về tài chính, công nghệ, quản lý.
Về lộ trình, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chương trình lớn, vừa giải quyết được vấn đề trước mắt, vừa giải quyết vấn đề chiến lược lâu dài nên phải hoàn thành nhanh. Các Bộ, ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình của bộ ngành mình và phải hoàn thành trong quý I, trong đó, tập trung xử lý 8 vấn đề quan trọng, đó là: tập trung chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; giảm phát thải khí nhà kính; giảm khí metan trong sản xuất, khuyến khích và phát triển ô tô chạy điện, trồng và phát triển rừng; vật liệu xây dựng phải phù hợp với phát triển xanh, bền vững; tăng cường truyền thông để toàn dân vào cuộc và đẩy mạnh chuyển đổi số. Cùng với yêu cầu đẩy nhanh Quy hoạch Điện VIII, Thủ tướng cho biết, trong quý II, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét và thống nhất chương trình tổng thể, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!