Phối cảnh ga tàu điện ngầm C9 tại khu vực hồ Gươm. Ảnh: MRB
Nên bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm
Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 30/5, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc lựa chọn chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành", đồng thời đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ sự thống nhất cao về báo cáo của Đoàn giám sát và nhấn mạnh về những nguyên nhân chủ quan các bất cập của công tác quy hoạch như hạn chế từ tư duy, nhận thức, chỉ đạo thi hành, tuyên truyền, tư vấn lập quy hoạch, kinh nghiệm, phương pháp lập quy hoạch, đầu tư công tác quy hoạch, hệ thống thông tin, dữ liệu…
Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, quy hoạch quốc gia chỉ nên là định hướng, nếu quá cụ thể thì khó làm và có thể bị lạc hậu. Bên cạnh đó, cần lồng ghép, bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. Ảnh: TTXVN
"Đây là vấn đề rất quan trọng cho 30-50 năm nữa. Lúc đó, nhu cầu để mở rộng thành phố theo hướng lấy thêm diện tích đất ở trên rất tốn kém, đôi khi là bất khả thi. Chỉ có thể mở rộng thành phố theo hướng ngầm, dưới lòng thành phố sẽ hữu hiệu hơn. Nếu chúng ta có quy hoạch để xác định được đâu là bến tàu điện ngầm, đâu là siêu thị thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay chúng ta mới phát triển một số công trình ngầm nhỏ lẻ mà đã bắt đầu gặp những bất cập khó điều chỉnh hoặc điều chỉnh được thì rất tốn kém" – đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Anh Trí đề nghị cần tập trung một đội ngũ những chuyên gia trong và ngoài nước giỏi và nên có một nguồn kinh phí đủ lớn quy hoạch phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Ngoài ra, cần có quy hoạch và quyết tâm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
"Chỉ với một hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, đồng bộ, hợp lý thì mới có thể giải quyết căn cơ, tình hình giao thông quá tải, lộn xộn hiện nay về sau" – đại biểu Trí nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia cần quan tâm đến cả việc phát triển du lịch biển để mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, về an ninh, quốc phòng, nhất là vấn đề khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.
"Biển Đông của chúng ta vừa giàu, vừa đẹp, vừa hấp dẫn đang vẫy gọi. Dù có khó mấy cũng rất nên nghiên cứu để phát triển mạnh mẽ du lịch biển" – ông Nguyễn Anh Trí kiến nghị.
Chưa có tiêu chí để người dân đóng góp ý kiến về quy hoạch
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề cung cấp thêm thông tin và có một số ý kiến kiến nghị về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh phát biểu. Ảnh: TTXVN
Đại biểu cho biết, các quy định hiện nay chưa có tiêu chí hay hệ thống các giá trị để giúp người dân tham gia đóng góp ý kiến đánh giá cho các đồ án quy hoạch. Những quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng còn khá chung chung. Vai trò của cộng đồng chưa được quy định rõ. Có đến 4 chủ thể liên quan đến quy hoạch là nhà nước, tư vấn, chủ đầu tư và người dân, nhưng luật vẫn chưa quy định rõ biện pháp chế tài nào, nếu ai sai thì bị xử lý ra sao, mức độ xử lý đến đâu. Bên cạnh đó, luật cũng chưa quy định được cơ chế thương thuyết và giải quyết các vướng mắc của người dân nếu người dân chưa hài lòng với cách giải quyết của chính quyền.
Để thực hiện công tác quy hoạch có hiệu quả, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề xuất các yêu cầu, tiêu chí đặt ra đối với kiến thức, kỹ năng của nhà tư vấn, nhà quản lý khi áp dụng thực hiện các quy trình có sự tham gia của cộng đồng. Việc lấy ý kiến của cộng đồng, cơ chế phản hồi và giải trình trước sự tham gia của cộng đồng cũng cần phải được thể chế hóa.
Đại biểu Hà Phước Thắng (TP Hồ Chí Minh) cũng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách phù hợp về nhà, về đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch theo hướng tạo sự công bằng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi hợp pháp của người dân, hạn chế điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ án quy hoạch. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra việc nhiều quy định chưa đồng bộ giữa Luật Quy hoạch và các quy định của Luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần rà soát để bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan đến công tác quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi.
Đại biểu Hà Phước Thắng kiến nghị cần có quy định đồng bộ các khái niệm về chức năng đất được quy hoạch giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và kế hoạch sử dụng đất để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các tiêu chí sử dụng đất được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn đầu tư để đầu tư nhanh vào những khu vực quy hoạch chức năng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện để quy hoạch sớm được thực thi, tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn và sớm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch các công trình công cộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!