Chiều 20/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận cao với sự cần thiết ban hành Luật này và cho rằng Luật đã thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Nhiều đại biểu đề nghị, trong phần nội dung, Luật cần tách bạch các quy định liên quan đến tín ngưỡng và các quy định liên quan đến tôn giáo; làm rõ hơn khái niệm thế nào là tôn giáo, thế nào là tín ngưỡng. Theo các đại biểu, khái niệm và nội dung liên quan đến tín ngưỡng trong dự án Luật vẫn còn sơ sài.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ sở tín ngưỡng; làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, theo các đại biểu, cũng cần quy định cụ thể hơn về quyền được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện... nhằm tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì và các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng có căn cứ để quản lý tốt hơn lĩnh vực này.
Trước đó, sáng nay, thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định này, nhiều đại biểu đồng tình ra Nghị quyết của Quốc hội về chấm dứt việc thí điểm thực hiện chế định thừa phát lại và đề nghị cho áp dụng chế định này trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, về chức năng và mô hình cần phải thí điểm cho đến khi có Luật ban hành về vấn đề này.
Cũng trong sáng nay, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, thông qua dự án Luật Kế toán (sửa đổi).
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!