Thảo luận tại tổ, cơ bản các ý kiến nhất trí cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, đồng thời tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo luật này
Góp ý cụ thể về quy định "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" tại Điều 4 dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề mới, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng.
Về nội dung bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cụ thể hóa vào luật quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm". Thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu đề nghị cần có các quy định hướng tới đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tố tụng dân sự.
Cho ý kiến về quy định áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 21 của dự thảo luật, nhiều đại biểu băn khoăn, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về thủ tục, trình tự công nhận án lệ và đề nghị, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) cần làm rõ áp dụng án lệ như thế nào; về tiêu chí, điều kiện để áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự.
Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thú y.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.