Người dân đến bộ phận "một cửa" xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương(Báo Hải Dương).
Các đại biểu dự khai mạc Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII (Ảnh: Báo Hải Dương)
Tỉnh ủy Hải Dương đã có thông báo dự kiến chương trình làm việc, hoạt động trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy từ ngày 1/12/2024 – 3/2/2025.
Theo đó, dự kiến trong khoảng từ ngày 18 – 20/12/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII sẽ tổ chức hội nghị thông qua báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Tỉnh ủy giao Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của tỉnh tham mưu thực hiện. Hội nghị dự kiến tổ chức trong 1/2 ngày.
Chủ trương về phương án sắp xếp
Trước đó, ngày 3/12 Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đã có công văn truyền đạt ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí gợi ý để các cơ quan, đơn vị, địa phương kiến nghị, đề xuất việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thuộc tỉnh theo hướng như sau:
Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy: Đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, chuyển một số tổ chức đảng về Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (mới được thành lập nêu dưới đây) và một số tổ chức đảng thuộc loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp về trực thuộc địa bàn đứng chân. Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn cấp tỉnh.
Thành lập 2 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Đó là Đảng bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Báo Hải Dương; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Tỉnh ủy.
Đảng bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp tỉnh gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực đảng ủy; thường trực đảng ủy gồm đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Bí thư, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, các đồng chí phó chủ tịch HĐND tỉnh, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và bố trí 1 đồng chí phó bí thư chuyên trách. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định nhân sự thường trực đảng ủy, quy định thường trực đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Lập Đảng bộ Khối Chính quyền tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, gồm các tổ chức đảng trong các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường và một số đảng bộ các doanh nghiệp (Bưu điện tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương).
Đảng bộ Khối Chính quyền tỉnh gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực đảng ủy; thường trực đảng ủy gồm đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm bí thư, các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh và bố trí 1 đồng chí phó bí thư chuyên trách. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định nhân sự thường trực đảng ủy, quy định thường trực đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng UBND tỉnh như hiện nay.
Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy: Sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Y tế.
Đối với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh: Sáp nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường ...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các sở và các cơ quan liên quan.
Sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các Sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan.
Kết thúc hoạt động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.
Đối với cấp huyện: Sáp nhập ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện và ban dân vận cấp ủy cấp huyện. Sáp nhập phòng tài nguyên và môi trường với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (đối với các huyện). Sáp nhập phòng tài nguyên và môi trường với phòng kinh tế (đối với thành phố, thị xã).
Kết thúc hoạt động của phòng lao động, thương binh và xã hội, chuyển nhiệm vụ về: Phòng nội vụ, phòng giáo dục và đào tạo, văn phòng UBND huyện và các cơ quan có liên quan.
Chủ trương về công tác cán bộ
Cũng trong ngày 3/12, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đã có thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề nghị ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện nghiêm chủ trương về công tác cán bộ để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu dừng kiện toàn, bổ sung ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Dừng tiếp nhận, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn hoặc cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn theo Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Trường hợp thật sự cần thiết phải tiếp nhận, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lên chức vụ cao hơn thì phải xin ý kiến cấp ủy, cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện.
Đối với cơ quan, đơn vị không thuộc diện phải sắp xếp, tinh gọn theo Kết luận số 09, nếu có nhu cầu tiếp nhận, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn hoặc cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý thì cấp ủy, tập thể cơ quan, đơn vị cần rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng về cơ cấu, số lượng, nhân sự, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; cân nhắc, xem xét tổng thể, toàn diện về tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) xem xét, cho ý kiến (đối với các chức danh thuộc khối Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội) hoặc báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét (đối với các chức danh thuộc khối nhà nước, trừ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý) trước khi thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!