Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng cho biết, hai bên đã nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Đây là nền tảng quan trọng, thuận lợi để doanh nghiệp 2 nước triển khai các thỏa thuận, dự án hợp tác nói chung, trong đó có lĩnh vực đường sắt, bảo đảm lợi ích của hai nước và các doanh nghiệp.
Đánh giá cao sự phát triển đột phá, toàn diện của đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn CRSC cũng như các doanh nghiệp đường sắt hàng đầu Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đối tác phía Việt Nam để phát triển ngành đường sắt đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Tập đoàn CRSC, cũng như các doanh nghiệp đường sắt hàng đầu Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đối tác phía Việt Nam trong phát triển ngành đường sắt đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới - Ảnh: VGP
"Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành đường sắt Việt Nam là tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại từ khâu nghiên cứu, thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác, quản lý", Phó Thủ tướng nói và mong muốn Tập đoàn CRSC hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu này trong quá trình triển khai các dự án đường sắt kết nối chiến lược giữa hai nước, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, Tập đoàn CRSC có thể chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật cho các cơ quan quản lý ngành đường sắt của Việt Nam khi xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, khung pháp lý cho ngành đường sắt nói chung, phân ngành thông tin tín hiệu điều khiển vận tải đường sắt nói riêng.
Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu tham gia thúc đẩy, triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Lâu Tề Lương cho biết, hiện nay Tập đoàn CRSC đang quản lý 60% thiết bị thông tin tín hiệu của hệ thống đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, 45% thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt đô thị.
Hiện CRSC đã xây dựng chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) đến sản xuất thiết bị và dịch vụ kỹ thuật của hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt. Tập đoàn đang tập trung vào thực hiện số hóa, nâng cấp các thiết bị thông tin tín hiệu, sử dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn (big data) kết hợp trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao độ tin cậy, an toàn trong vận hành giao thông đường sắt; theo đuổi chiến lược phát triển xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với việc tham gia nghiên cứu đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt, cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu một số đoạn tuyến trên đường sắt Bắc - Nam, lãnh đạo CRSC khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.
Tập đoàn cũng sẵn sàng tham gia đầu tư với hình thức phù hợp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu và phát triển; trao đổi với các đối tác Việt Nam để triển khai các dự án, chương trình hợp tác cụ thể về đường sắt, góp phần thiết thực triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
CRSC là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc, hoạt động tại hơn 20 quốc gia và khu vực. Doanh thu của Tập đoàn năm 2023 đạt hơn 37 tỷ Nhân dân tệ (NDT) và lợi nhuận tương ứng đạt 4,7 tỷ NDT. Tập đoàn cũng đóng vai trò là cơ quan quản lý có thẩm quyền của Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm các hệ thống kiểm soát vận tải đường sắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!