Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường sống còn

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 14/01/2025 17:56 GMT+7

VTV.vn - Cuộc cách mạng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang mang đến cơ hội lịch sử, mở ra khả năng tạo ra những bước nhảy vọt.

Sáng 13/1, Hội nghị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Gần 1 triệu cán bộ, đảng viên, các nhà doanh nghiệp khoa học công nghệ, các nhà nghiên cứu khoa học đã tham dự trực tuyến và hội nghị được truyền hình trực tiếp tới toàn dân. Hội nghị được Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học công nghệ, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu là tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường sống còn - Ảnh 1.

Hội nghị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được tổ chức trên quy mô toàn quốc vào sáng ngày 13/1

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị với những định hướng chiến lược đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Để nghị quyết kịp thời đi vào cuộc sống, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu không được chậm trễ; các chủ trương, giải pháp của Nghị quyết cần được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư cũng đưa ra 8 nhiệm vụ và giải pháp đột phá cho cả hệ thống chính trị, Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà là con đường sống còn.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường sống còn - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Theo TSKH. Khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chiến lược phát triển khoa học công nghệ đã được đặt ra từ lâu, nhưng Nghị quyết 57 lần này đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đột phá. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Việt Nam đối mặt nguy cơ tụt hậu, và nếu tiếp tục cách làm cũ, khoảng cách này sẽ ngày càng lớn. Tuy nhiên, cuộc cách mạng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang mang đến cơ hội lịch sử, mở ra khả năng tạo ra những bước nhảy vọt, giúp một đất nước chuyển từ nghèo nàn sang khá giả, từ lạc hậu lên tiên tiến.

Bên cạnh đó, dù đã có nhiều chính sách tốt, nhưng thực tế thực hiện chưa hiệu quả. Do đó, cần những giải pháp đột phá về đầu tư, thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Đây là cơ hội hiếm có, có thể nói là ngàn năm có một. Nếu không nắm bắt ngay bây giờ, chúng ta sẽ không bao giờ có lại cơ hội này. Vì vậy, tinh thần đột phá trở thành yếu tố vô cùng quan trọng", ông Khải khẳng định.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường sống còn - Ảnh 3.

TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ về nội dung Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, tập trung vào việc thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Cũng theo TS. Nghiêm Vũ Khải, qua những nội dung được đề cập tại hội nghị sáng 13/1, một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hệ thống thể chế. Hiện đã có đề xuất sửa đổi 127 luật, 19 nghị định, cùng hàng trăm thông tư. Khối lượng công việc liên quan đến xây dựng pháp luật và chính sách là rất lớn, do đó cần áp dụng các biện pháp mới, mang tính đột phá.

"Hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện nay đã phát triển tương đối tốt, với nhiều điều luật còn hiệu lực và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cần có sự hướng dẫn và triển khai ngay. Đồng thời, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật vẫn cần được tiếp tục thực hiện song song," ông Khải nhấn mạnh.

Về đầu tư, Nghị quyết 26 năm 1991 đã quy định rằng chi cho khoa học công nghệ không dưới 2% ngân sách nhà nước hằng năm. Tuy nhiên, đến nay, mức chi này chỉ đạt khoảng 1–1,5% ngân sách. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tận dụng cơ hội, chẳng hạn như trình và thông qua các chủ trương nhằm đảm bảo mức đầu tư cho khoa học công nghệ đạt ít nhất 2%, thậm chí 3% ngân sách nhà nước ngay trong năm 2025. Việc tăng mức đầu tư không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn để bù đắp cho những thiếu sót trong quá khứ, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược của quốc gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bài phát biểu sáng 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rằng trong năm nay, cần khẩn trương, càng sớm càng tốt, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách. Mục tiêu là tháo gỡ toàn bộ các điểm nghẽn, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, việc này nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo ý kiến của các nhà khoa học, nếu Đảng và Nhà nước thực hiện được các nhiệm vụ trên, các rào cản lớn sẽ được tháo gỡ, mở ra cơ hội để tạo nên những đột phá.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường sống còn - Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm, chuyên gia làm việc tại Australia cho biết: "Ở Australia, thời gian xét duyệt dự án nghiên cứu thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng khi được phê duyệt, quỹ nghiên cứu yêu cầu các nhà khoa học triển khai sớm với các mốc thời gian (deadline) rõ ràng"

TSKH. Nghiêm Vũ Khải nhận định, dù chính sách pháp luật đã ủng hộ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng thực tế triển khai còn nhiều thách thức, trong đó, thể chế là điểm nghẽn quan trọng nhất. Thể chế cần đảm bảo an toàn, quyền lợi, minh bạch, công khai và tính thượng tôn pháp luật để thu hút nhà khoa học, chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay, cơ sở hạ tầng nghiên cứu vẫn thiếu vì đầu tư hạn chế, trong khi nguồn nhân lực Việt Nam rất tiềm năng nhưng chưa được thu hút hiệu quả. Để giữ chân nhà khoa học, cần ưu tiên môi trường làm việc, sự ghi nhận, sau đó mới đến đãi ngộ. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính là vấn đề lớn, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ vốn nhiều rủi ro, đòi hỏi sự chấp nhận đầu tư mạo hiểm, như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh.

"Nghị quyết 57 đã mở ra một cách tiếp cận rất tiến bộ, đó là không truy cứu trách nhiệm nếu các cá nhân, tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật và quy trình khoa học, ngay cả khi nghiên cứu không đạt kết quả như mong đợi. Một kết luận rằng dự án không khả thi cũng là một kết quả khoa học chính đáng và cần được chấp nhận, thay vì đòi hỏi tất cả các nghiên cứu phải dẫn đến ứng dụng thực tế ngay", ông Khải cho hay.

Những vướng mắc và hạn chế lớn nhất trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được xác định, cùng với các phương hướng và quyết sách cụ thể để tháo gỡ. Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các nhà khoa học và doanh nghiệp hãy tiếp tục cống hiến, sáng tạo, mỗi người dân cần đồng hành, học hỏi và nâng cao kỹ năng số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước