Toàn cảnh Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Các vấn đề băn khoăn của cử tri phải được làm rõ
Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách sơ bộ 205 người ứng đại biểu Quốc hội ở khối các cơ quan Trung ương.
Đánh giá về kết quả hội nghị hiệp thương vừa qua, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết hội nghị, đã thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, đi vào những nội dung trọng tâm theo quy định của pháp luật liên quan đến công tác bầu cử. Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng Đoàn Chủ tịch đã thảo luận những nội dung liên quan đến danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Đặc biệt là chất lượng và tiêu chuẩn của những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH.
"Qua việc Đoàn Chủ tịch tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ hai có thể khẳng định, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV đã thực hiện đúng các quy trình tổ chức hội nghị nơi công tác và có biên bản gửi về, có nhận xét, thể hiện sự tín nhiệm rất cao. Những nội dung thỏa thuận để thống nhất cũng được phản ánh đầy đủ. Ngay sau hội nghị này, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có báo cáo chi tiết gửi các cơ quan có thẩm quyền để xem xét" - ông Ngô Sách Thực nói.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao đổi với báo chí
Về tiêu chuẩn ứng cử viên Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ngoài 5 tiêu chuẩn theo quy định của luật như: trung thành với Tổ quốc, đất nước, Hiến pháp; các điều kiện về năng lực, phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, khả năng, điều kiện hoạt động, giữ mối liên hệ với cử tri, các đại biểu phải có bản lĩnh, dám nói. Những nội dung như người được giới thiệu ứng cử phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật cũng được đề cập.
Trong danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV các tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu tài liệu, hồ sơ cũng thấy có một số nội dung cần phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt, những nội dung liên quan đến đại biểu chuyên trách.
Ngay tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các ý kiến trong Đoàn Chủ tịch đều bày tỏ sự đồng tình rất cao là cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đặt ra yêu cầu đối với đại biểu chuyên trách phải có đủ tâm, đủ tầm.
"Trên cơ sở những vấn đề mà Đoàn Chủ tịch đặt ra, sau hội nghị hiệp thương lần 2, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để trả lời rõ những nội dung này. Yêu cầu đặt ra là từ nay tới khi tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, tất cả các vấn đề còn "trăn trở" đối với các ứng cử viên đều phải được làm rõ" - ông Ngô Sách Thực trao đổi với báo chí.
Tạo điều kiện cho người ứng cử, cơ quan người ứng cử lắng nghe ý kiến nhân dân
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, từ ngày 21/3, Mặt trận các địa phương sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh phải tổ chức hội nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phối hợp với UBND cấp xã tổ chức Hội nghị cử tri nơi cư trú cho các ứng viên. Đồng thời, phải tổ chức tốt Hội nghị hướng dẫn và tổ chức Hội nghị cử tri nơi cư trú cho các ứng viên và Hội nghị cử tri nơi làm việc, nơi công tác và nơi cư trú đối với người tự ứng cử.
"Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải có kế hoạch thật cụ thể, tạo điều kiện cho người được ứng cử về khu dân cư của mình để lắng nghe ý kiến người dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan mà có người ứng cử phải có trách nhiệm về các nơi dân cư để nghe ý kiến nhận xét của nhân dân" - ông Ngô Sách Thực nói.
Liên quan đến công tác giám sát việc lấy ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, từ nay đến hiệp thương lần thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội có một lịch trình giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chương trình giám sát đợt 1 thực hiện từ nay đến 13/4. Đợt 1 phải xem xét tất cả các trình tự, thủ tục liên quan đến phần thành lập các đơn vị bầu cử, hoạt động của các tổ chức bầu cử. Đặc biệt, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải thực hiện tốt việc lấy ý kiến, tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú, kể cả người tự ứng cử.
Liên quan đến công tác giám sát, phải có sự giám sát của người dân cùng các kênh thông tin để những gì người dân còn băn khoăn về người tự ứng cử đều phải được làm rõ. Ủy ban bầu cử các cấp đều phải có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến của của người dân và có việc trả lời. Nếu đến mức có khiếu nại hoặc tố cáo sẽ giải quyết theo trình tự quy định của luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những người ứng cử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!