Những vấn đề cấp bách được xem xét ở kỳ họp bất thường của Quốc hội

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 03/01/2022 16:40 GMT+7

VTV.vn - Trong 5 ngày làm việc ở kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ xem xét 4 vấn đề cấp bách, trong đó có chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Từ ngày 4/1 - 11/1/2022, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Nhằm góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, kỳ họp sẽ có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Theo đó, với thời gian 5 ngày làm việc, Quốc hội tiến hành xem xét, thảo luận và thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết, cụ thể như sau:

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Việc xây dựng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chính sách hỗ trợ kịp thời, có sự đột phá và lan tỏa, triển khai nhanh, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 cũng như giai đoạn tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.

Tại buổi họp báo trước kỳ họp bất thường, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, hiện đất nước đang cần quyết sách liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế nên gói tài chính tiền tệ hết sức quan trọng.

Những vấn đề cấp bách được xem xét ở kỳ họp bất thường của Quốc hội - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

"Gói phục hồi phát triển kinh tế nếu được thông qua ở những ngày đầu năm 2022 rõ ràng sẽ thúc đẩy cho tăng trưởng 2022 và 2023. Dư âm của nó sẽ còn duy trì ở nhiệm kỳ 2021-2026 này. Rõ ràng đó là một yếu tố để giải quyết những việc cần thiết, cấp bách. Nếu để lại đến kỳ họp tháng 5, chúng ta sẽ chậm đi 5 tháng mới quyết định được" - Tổng thư ký Quốc hội cho biết.

Thông tin thêm về dự thảo Nghị quyết, bà Phạm Thị Hồng Yến - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo của nghị quyết phải bám sát được chủ trương định hướng của Đảng, tập trung tăng cường cho tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn cho tổng cung.

Chính sách tài khóa và tiền tệ cũng sẽ phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tối ưu hóa các nguồn lực. Chính sách phải đáp ứng ở quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng điểm, trọng tâm để giải quyết những vấn đề cấp bách và tránh lãng phí nguồn lực. Chương trình và các giải pháp sẽ được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời và thực hiện trong thời gian 2022-2023. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Bà Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, một nội dung rất quan trọng là đảm bảo huy động và quản lý phân bổ các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực và lợi ích nhóm đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

5 nhóm giải pháp chủ yếu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội bao gồm:

Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh.

Đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm

Hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh.

Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực, xã hội cho đầu tư phát triển.

Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Chương trình về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bao quát được toàn bộ các lĩnh vực của đời sống, kinh tế. Trong đó xác định ưu tiên cho lĩnh vực y tế gắn với chương trình và chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19. Các giải pháp đều được chú trọng về tính hiệu quả lan tỏa và phù hợp với bối cảnh tình hình mới" - bà Yến cho biết tại buổi họp báo.

Những vấn đề cấp bách được xem xét ở kỳ họp bất thường của Quốc hội - Ảnh 3.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: TTXVN

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn như: khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư (trong đó bao gồm cả nội dung liên quan đến khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở), Luật Đấu thầu, Luật Điện lực; khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng sử dụng xe ô tô thân thiện với môi trường; tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi.

Việc ban hành luật nhằm kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần có "1 Luật sửa nhiều Luật" do những luật này đang rất vướng trong quá trình tổ chức thực hiện.

"Các dự án Luật có những điểm mà cần phải tháo gỡ ngay nếu không sẽ ách tắc mãi. Do đó một Luật sửa nhiều Luật cũng là một vấn đề cấp bách để giải quyết câu chuyện thể chế cho phát triển kinh tế đất nước" - ông Cường nói.

Dự thảo Luật gồm 10 điều, gồm: 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật nhằm các mục tiêu cụ thể sau:

- Tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

- Tháo gỡ một số khó khăn trong: triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần tăng tỷ lệ thi hành án về tiền, tạo điều kiện rút ngắn thời gian, giảm bớt các chi phí và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án.

- Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng, thừa nhận về mặt pháp luật cho hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ an ninh mạng, phù hợp với yêu cầu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu quốc gia về an ninh mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

- Khuyến khích thu hút vốn, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Khuyến khích việc đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội kịp thời để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính (thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường), định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là cần thiết bởi mặc dù Thành phố Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề ra mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2030 là "thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long,…".

Những vấn đề cấp bách được xem xét ở kỳ họp bất thường của Quốc hội - Ảnh 5.

TP Cần Thơ (Ảnh: PLO)

Nghị quyết bao gồm các nội dung về: quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Theo đó, Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (sau khi thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách Nhà nước, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

Theo tờ trình, việc đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết vì những lý do chủ yếu sau:

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn", với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông..." và "Nghiên cứu, xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu...".

- Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

- Đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục.

Những vấn đề cấp bách được xem xét ở kỳ họp bất thường của Quốc hội - Ảnh 6.

Dự án cao tốc Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng. (Ảnh: Dân trí)

Mục tiêu đầu tư của Dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

"Đất nước chúng ta bố cục theo chiều dài Bắc Nam. Tuyến huyết mạch ấy ngoài đường không, đường biển thì rõ ràng đường bộ cần phải có một tuyến như vậy. Chúng ta thấy bài học của Hàn Quốc khi mà bắt đầu phát triển đã làm đường cao tốc Bắc – Nam. Đường cao tốc sẽ tháo gỡ rất nhiều để thúc đẩy cho tăng trưởng, phát triển hàng hóa cũng như nhiều các lĩnh vực khác" - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phân tích về dự án.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội và quyết sách cho phát triển Kỳ họp bất thường của Quốc hội và quyết sách cho phát triển

VTV.vn - Được khai mạc vào ngày 4/1, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV sẽ xem xét một số nội dung quan trọng, cấp bách cho phục hồi và phát triển KT-XH.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước