Nhìn lại 5 năm xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Không còn vùng cấm, niềm tin được củng cố

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 03/10/2021 20:48 GMT+7

VTV.vn - Trong 5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Theo chương trình, Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng sẽ được khai mạc vào sáng 4/10. Một trong những công việc trọng tâm của Hội nghị lần này là Trung ương sẽ tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và tiếp tục đề ra những biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tiếp tục thực hiện nghị quyết này trong thời gian tới.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (năm 2011), Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) và lần này Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương đều dành thời gian để bàn bạc chuyện xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Như vậy, liên tiếp trong 3 khóa, ngay sau khi kiện toàn xong về tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, công việc Trung ương quan tâm đầu tiên là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Điều này không chỉ cho thấy sự quan trọng của công tác này mà còn cho thấy một quyết tâm lớn của Trung ương Đảng trong đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, một công việc được cho là có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Và sự quyết tâm đó đã đem lại những kết quả rõ nét. Sau 10 năm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, câu hỏi nhức nhối "Đâu là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái?" đến nay đã có những câu trả lời thỏa đáng.

Không còn vùng cấm trong đấu tranh với tiêu cực, niềm tin được củng cố

Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chỉ từ một chiếc xe ô tô tư nhân gắn biển xanh, hàng loạt sai phạm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đã được phát hiện. Sau đó nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí cả những người đã về hưu có liên quan cũng đã bị kỷ luật.

Từ đây, cuộc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực chính thức không còn vùng cấm, không còn ngoại lệ.

Nhìn lại 5 năm xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Không còn vùng cấm, niềm tin được củng cố - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 5/8/2021. Ảnh: TTXVN

Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật (tăng 18% so với nhiệm kỳ XI). Trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước). Trong số này, 27 là Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sỹ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang.

Ở các địa phương, hơn 25.000 đảng viên bị kỷ luật bởi có biểu suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chiếm 0,5% tổng số đảng viên trong toàn Đảng.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có tới 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý; hơn 5.200 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật, tăng 18,5% so với nhiệm kỳ XI. Chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ đảng viên sa sút về phẩm chất, vi phạm về đạo đức lối sống bị xử lý kỷ luật nhiều như vậy. Và cũng chưa bao giờ có một số lượng cán bộ cấp cao, bất kể là đương chức hay đã về hưu, được đưa ra xử lý nghiêm khắc trước kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước nhiều như trong 5 năm qua.

"Không còn vùng cấm", "Không còn hạ cánh an toàn" là những cụm từ được dùng nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng.

Tuy nhiên, có lẽ kết quả của công cuộc chỉnh đốn Đảng đạt được không chỉ có vậy. Rất nhiều ý kiến và cả những nghiên cứu cho thấy, cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực và các biểu hiện suy thoái có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa tiêu cực và đặc biệt là củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được triển khai toàn diện, đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, nhờ đó tình trạng suy thoái, "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong Đảng đã bước đầu được kiềm chế, ngăn chặn.

Chống suy thoái, tiêu cực được chỉ đạo quyết liệt

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Đại hội XIII, Đảng cũng chỉ ra rằng, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, từ đó đặt ra yêu cầu kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái. Và ngay đầu nhiệm kỳ, những chủ trương ấy của Đảng đã sớm được thực tiễn hóa.

Công cuộc chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ vừa qua đã tạo những dấu ấn nổi bật. Và tinh thần đó chắc chắn sẽ còn được thể hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt trong nhiệm kỳ Đại hội XIII này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rất nhiều lần khi nói về chỉnh đốn Đảng, đây là "công việc khó, phức tạp vì nó là công tác con người, dễ động chạm đến danh dự, lợi ích quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ".

Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng - nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng - nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ

VTV.vn - Đây không chỉ là thành tố đầu tiên trong chủ đề của Đại hội XIII mà còn là quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng của Đảng trong giai đoạn tới về công tác này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước