Nhiều ý kiến khác nhau về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị

Minh Hằng, Gia Hiếu, Thanh Tuyền, Đức Thuận, Trần Nam-Thứ ba, ngày 21/05/2024 21:56 GMT+7

VTV.vn - Theo các đại biểu, dự án luật đã khắc phục được các bất cập quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, qui định về tỷ lệ quỹ đất còn có ý kiến khác nhau.

Sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự thảo Luật đường bộ. Các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết của việc ban hành luật, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, để khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo các đại biểu, dự án luật đã khắc phục được các bất cập quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, quản lý vận tải nhà nước về giao thông đường bộ, về hệ thống báo hiệu đường bộ. Tuy nhiên, quy định về tỷ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ còn các ý kiến khác nhau.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng cứ xây mới hay mở rộng đường trong nội thành nội thị mà cần chú trọng hơn đến các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, và phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn. Do đó tôi đề nghị trong luật không nên quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị".

Ông Lã Thanh Tân, Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng nêu ý kiến: "Hiện nay vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương phát sinh nhiều bất cập, đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ đất tối thiếu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè bến xe khách, điểm đỗ dừng đón trả khách cho xe buýt, taxi, bãi đậu xe, ô tô tải, các trung tâm logistics...".

Liên quan đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, quy định như hiện nay đang được hiểu rằng mỗi chuyến xe chỉ chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất. Đây là nội dung được yêu cầu cần rà soát kỹ.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: "Trên thực tế kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn bao gồm loại người thuê vận tải không thuê cả chuyến xe như là trường hợp các xe limousine đang vận tải hành khách có ứng dụng công nghệ hiện nay hoặc là những chuyến xe ghép/ Tôi đề nghị luật cũng có điều chỉnh, quản lý đối với loại hình này. Nếu chúng ta yêu cầu là phải thuê xe cả chuyến trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thì chúng ta sẽ gây khó cả cho người dân có nhu cầu lẫn các doanh nghiệp vận tải có loại hình vận tải này".

Ông Dương Khắc Mai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nói: "Hiện nay phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Thực tế, về bản chất kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chở khách di chuyển thường xuyên, hằng ngày cùng một điểm đến và điểm đi. Việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng".

Trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo cụ thể, rõ ràng, luật hóa thu phí ô tô vào nội đô, có cơ chế khuyến khích tổ chức, tư nhân tham gia nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ…


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước