Nhiều cán bộ sai phạm từ nhiệm kỳ trước: Cần tăng cường kiểm soát quyền lực

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 14/12/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Quy trình công tác cán bộ, nhất là với các cán bộ cấp chiến lược luôn được cho là đầy đủ và rất chặt chẽ. Thế nhưng rõ ràng vẫn còn những lỗ hổng.

Chưa đầy nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có tới 7 Ủy viên Trung ương bị kỷ luật. Ở các địa phương, cũng có nhiều trường hợp bị kỷ luật. Thậm chí, có cả những người bị vướng vào vòng lao lý.

Trong số cán bộ bị kỷ luật, bị xử lý hình sự không ít những người đã có nhiều sai phạm từ nhiệm kỳ trước.

Nhiều cán bộ sai phạm từ nhiệm kỳ trước: Cần tăng cường kiểm soát quyền lực - Ảnh 2.

Những nghị quyết, quy trình, quy định của Đảng ngày càng rõ ràng và chặt chẽ hơn, nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để những lỗ hổng trong công tác cán bộ.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ gắn với trách nhiệm cá nhân sẽ là việc sẽ cần thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cuối tháng 11 vừa rồi, ông Bùi Nhật Quang, nguyên Chủ tịch Viện này tiếp tục bị Chính phủ thi hành kỷ luật cảnh cáo.

Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã thi hành kỷ luật cảnh cáo và Ban Chấp hành Trung ương đã cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng với ông Quang tại Hội nghị Trung ương 6 mới đây.

Ông Quang đã vướng hàng loạt vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng về quản lý trong thời gian giữ chức Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ tháng 9 năm 2019. Rất nhiều dư luận trước đó, nhưng vẫn vượt qua các quy trình, quy định về công tác cán bộ.

Ông Quang chỉ là một trong số cán bộ trong nhiệm kỳ này bị kỷ luật và được cho thôi các chức vụ đang đảm nhiệm do các khuyết điểm, thậm chí là những sai phạm nghiêm trọng từ những nhiệm kỳ trước.

Quy trình công tác cán bộ, nhất là với các cán bộ cấp chiến lược luôn được cho là đầy đủ và rất chặt chẽ. Thế nhưng rõ ràng vẫn còn những lỗ hổng.

Tại phiên tòa xét xử 28 bị cáo vụ án vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng nhiều bị cáo vốn là cựu lãnh đạo của địa phương này bị truy tố về hai nhóm tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Nhiều cán bộ sai phạm từ nhiệm kỳ trước: Cần tăng cường kiểm soát quyền lực - Ảnh 4.

Bị cáo Trần Văn Nam tại phiên toà - Ảnh: NLĐ

Cáo trạng và diễn biến phiên tòa thể hiện, ông Trần Văn Nam và một số cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Dương đã ký những văn bản, đồng ý áp giá đất thấp hơn mức giá quy định để giao các diện tích "đất vàng" cho doanh nghiệp góp vồn vào các công ty tư nhân biến đất công thành đất tư. Hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước diễn biến của phiên tòa, bên cạnh các ý kiến đánh giá cao quyết tâm của Đảng trong đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, không ít ý kiến cho rằng có nhiều vấn đề, trong đó có những bất cập trong công tác cán bộ cần được phân tích để rút kinh nghiệm, bởi trong nhiều năm trước khi bị khởi tố, các cán bộ có liên quan đến vụ án vẫn được các cấp ủy địa phương đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ và tiếp tục giới thiệu tái cử vào cấp ủy khóa mới.

Để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Nghị quyết 28 Trung ương 6 khóa XIII yêu cầu hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

Nhiều cán bộ sai phạm từ nhiệm kỳ trước: Cần tăng cường kiểm soát quyền lực - Ảnh 7.

Nghị quyết cũng yêu cầu sớm tổng kết việc thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ.

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII mới đây, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh yêu cầu, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người làm công tác tổ chức cán bộ.

Cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, một trong những việc cần khắc phục trong công tác cán bộ được đề cập trong nghị quyết, đó là những hạn chế, yếu kém trong đánh giá cán bộ.

Công tác cán bộ luôn là việc gốc của Đảng, quyết định đến sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Để có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ cùng cơ chế khuyến khích động viên, quy trình chặt chẽ, cũng cần quyết liệt thay thế cán bộ theo phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống", thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về việc bố trí lại cán bộ sau kỷ luật.

Theo các chuyên gia, cần tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm trong lãnh đạo cấp ủy, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, làm cơ sở quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân một cách thực chất.

"Lãnh đạo nào, phong trào ấy". Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ luôn là khâu "then chốt của then chốt" quyết định đến sự thành bại của nghiệp cách mạng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước