Từ những ngày đầu khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, cho tới thời điểm Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện như hiện nay, phương châm: "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu", "kết hợp sức mạnh thời đại", vẫn là những bài học kinh điển còn nguyên giá trị của nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh đối với nền ngoại giao Việt Nam.
Bộ Ngoại giao là Bộ duy nhất trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh làm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Ngay sau khi ra đời, nền ngoại giao Việt Nam đã phải cùng lúc giải quyết đồng thời hai nhiệm vụ đó là: Thông qua đàm phán để Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập và buộc 200.000 quân Trung Hoa Dân Quốc vào giải giáp quân Nhật về nước.
Với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" tức là kiên định về nguyên tắc và mềm dẻo về sách lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được cả hai mục tiêu trên thông qua Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Chấp nhận là một quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp để đuổi quân Trung Hoa Dân Quốc và kéo dài thời gian hòa bình để chuẩn bị lực lượng. Đây đã trở thành bài học kinh điển của nền ngoại giao Việt Nam.
Cùng với những thắng lợi có tính chất quyết định trên chiến trường, ngoại giao Việt Nam đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" và "đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu" trong những thời điểm cam go của dân tộc, nhất là trên bàn đàm phán Geneva năm 1954, buộc Pháp và các nước lớn công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hay trong hơn 4 năm trên bàn đàm phán Paris từ 1969-1973, các nhà ngoại giao Việt Nam đã chuyển thắng lợi trên chiến trường và phong trào phản chiến thành chiến thắng trên bàn đàm phán, để buộc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Và sau này, là các giải pháp cho vấn đề Campuchia từ 1987-1991 để phá vỡ bao vây, cấm vận, tiến tới việc chuyển hướng chính sách đối ngoại khi đất nước bước vào đổi mới.
Trong 30 năm Đổi mới từ "muốn là bạn" đến "sẵn sàng là bạn" và "là bạn và đối tác tin cậy", ngoại giao đã đưa Việt Nam từ một nước bị bao vây cấm vận, trở thành một "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Hiện tại, khi châu Á - Thái Bình Dương có triển vọng trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới, song cũng đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ngoại giao vẫn phải kiên định mục tiêu "đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu" và lấy tư duy "trong nguy có cơ" để tìm ra thời cơ, vận hội cho đất nước, đồng thời không để đất nước bị lôi kéo vào bất cứ cuộc xung đột nào.
Với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", 70 năm trước đây, Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh đã đặt nền móng để nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam giành được thắng lợi trên bàn đàm phán và cùng với mặt trận quân sự, chính trị mang lại tự do, thống nhất cho đất nước. Còn giờ đây, ngoại giao Việt Nam vừa phải đảm bảo phát triển quan hệ với tất cả các nước, trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa của dân tộc vừa phải xử lý hài hòa, cân bằng các mối quan hệ và lợi ích của các nước - đó là thách thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!