Nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày

PV-Thứ ba, ngày 27/12/2022 17:40 GMT+7

VTV.vn - Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 7 khóa IX, sáng 27/12.

Hội nghĩ đã đưa ra những nét mang tính đại cương về "bức tranh" kinh tế-xã hội của đất nước, những thuận lợi, khó khăn trong năm 2023, qua đó thống nhất suy nghĩ, hành động, thực hiện thật tốt quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận để thực hiện tốt hơn các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Theo đó, năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%. Trong số 15 chỉ tiêu chủ yếu có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 2 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và tỉ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp cũng "ngấp nghé" mục tiêu đặt ra. Chỉ số lạm phát đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Xuất khẩu tăng hơn 10%, tiếp tục xuất siêu khoảng hơn 8 tỷ USD. Tỉ lệ đầu tư toàn xã hội, tín dụng tăng hơn 10%. Các cân đối lớn của nền kinh tế đều tốt.

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đã có 55 triệu lượt người được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí khoảng 85.000 tỷ đồng.

Tình hình an ninh, trận tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Đơn cử là số người khiếu kiện, số đoàn khiếu kiện đông người đến các cơ quan hành chính giảm mạnh. Trong xã hội đã tạo được sự đồng thuận, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.

Trong năm 2022, Chính phủ đã thực hiện sắp xếp lại bộ máy tổ chức, giảm 17 tổng cục, 145 vụ, ban thuộc các cơ quan hành chính, dành biên chế cho những chỗ cần thiết.

Uy tín của Việt Nam tiếp tục được củng cố, ngày càng tăng trên trường quốc tế. Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2023-2025); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tiếp tục cử các sĩ quan công an nhân dân tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc…

Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống khi trong 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (2020-2021) kinh tế cả thế giới lao đao, còn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,39%.

Tuy nhiên, nhiệm vụ tăng trưởng của 3 năm còn lại của nhiệm kỳ này và 7 năm còn lại cho đến mốc năm 2030 là vô cùng nặng nề để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra là tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững, từ bảo vệ môi trường đến chú trọng các vấn đề văn hóa, xã hội; không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày - Ảnh 1.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề văn hóa-xã hội bằng cách dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực; chú trọng đội ngũ cán bộ - Ảnh: VGP/Đình Nam

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đi đúng hướng, đã tháo gỡ được một số nút thắt nhưng phải nhìn nhận đánh giá đúng những khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới những năm tới sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài,… Từ đó ảnh hưởng nặng nề để các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải giãn việc, cho người lao động nghỉ việc do không có đơn hàng.

Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho người lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày do đơn hàng xuất khẩu giảm.

Ở trong nước, bên cạnh giải quyết những vấn đề mới, Chính phủ cũng dành nhiều thời gian để xử lý những vấn đề còn tồn đọng từ trước liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các dự án thua lỗ nhiều năm, có nhiều vướng mắc… một cách thận trọng, linh hoạt, giữ được ổn định.

Điểm lại quá trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với sự vào cuộc của cả hệ thống với sự lãnh đạo xuyên suốt từ Trung ương đến tận cơ sở; những kết quả tích cực đạt được sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; mở cửa lại du lịch quốc tế,… dự báo trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn năm 2022, chỉ số lạm phát sẽ cao hơn một chút nhưng bằng những tiềm lực đã tích tụ được, chúng ta sẽ cố gắng duy trì, bảo đảm an sinh xã hội, điều chỉnh một số chính sách cho các đối tượng cần đặc biệt quan tâm.

3 điểm nổi bật trong năm 2022 dù không được thể hiện qua các con số, chỉ tiêu.

Thứ nhất là nhận thức vấn đề văn hóa-xã hội đã được nâng lên một tầm mức mới.

Đa phần các nước đang phát triển đều tập trung vào phát triển kinh tế sau đó mới chú ý đến môi trường, tuy nhiên, đối với vấn đề văn hóa-xã hội đều không dành nhiều nguồn lực. Bởi vì, văn hóa-xã hội trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền, lại không phải là những vấn đề cấp bách, "cháy nhà, chết người" và ai cũng cảm thấy là mình biết về văn hóa-xã hội nên ít coi trọng ý kiến chuyên gia, người làm thực tiễn có kinh nghiệm.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), một hội nghị mà từ nhiều năm, không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, không chỉ giới văn nghệ sĩ, mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều trông đợi, vấn đề văn hóa-xã hội đã chuyển biến rõ rệt.

Tới đây, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề văn hóa-xã hội bằng cách dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực; chú trọng đội ngũ cán bộ.

Thứ hai là sức mạnh đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát huy hiệu quả, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Các quy chế phối hợp, tham khảo ý kiến phản biện, xây dựng đối với các chủ trương, chính sách ngày càng thực chất và cần tiếp tục được đẩy mạnh, tạo đồng thuận trong thực hiện.

Thứ ba là chúng ta đã nắm bắt nhanh nhạy hơn xu thế của thế giới, đưa ra phản ứng chính sách kịp thời hơn trước những điều chỉnh chính sách của các nước. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) 26, Việt Nam đã nắm bắt được xu thế, đi trước một bước khi cam kết đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nâng cao vị thế của đất nước không chỉ vể chính trị. Tại COP 27, các nước cam kết tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỷ USD để thực hiện mô hình chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây cũng là nguồn vốn khơi thông để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh hơn để đuổi kịp các nước, nhưng phải bền vững, lo cho môi trường, lo cho công bằng xã hội, "giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để nước sóng ra ngoài", hội nghị cho rằng cần phải có sự quyết tâm và sáng tạo thì chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đề ra mà lúc đầu tưởng chừng rất khó, không thể nào đạt được.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước