Ngày 6/1, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

VTV News-Thứ sáu, ngày 06/01/2023 06:00 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 5/1

VTV.vn - Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều vấn đề quan trọng. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ngày 6/1 - ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận về một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau đó, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về:

+ Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

+ Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050, GDP/người đạt 27.000 - 32.000 USD

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 6/1, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Quy hoạch đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030.

Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Tầm nhìn đến năm 2050 là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch gồm:

- Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

- Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.

- Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Quy định thời hạn giấy phép hành nghề khám chữa bệnh có phải là bước "thụt lùi"?

Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về thời hạn của giấy phép hành nghề (Điều 27), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo dự thảo Luật, cứ 5 năm 1 lần, người hành nghề thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục (có nhiều hình thức cập nhật kiến thức khác nhau).

Dự thảo Luật cũng quy định việc gia hạn có thể được thực hiện trực tuyến (chủ yếu sẽ là gia hạn trực tuyến khi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số). Tuy nhiên, còn một số ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của một số hiệp hội chưa thống nhất với việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề và cho rằng, khi người hành nghề có hành vi vi phạm và không thực hiện cập nhật kiến thức y khoa liên tục, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện thu hồi, như vậy là cũng có thời hạn; thậm chí có ý kiến cho rằng, việc quy định thời hạn giấy phép hành nghề là bước "thụt lùi". Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến thêm về thời hạn của giấy phép hành nghề.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 1/1/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Bác sĩ sẽ phải làm thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề 5 năm/lần? Bác sĩ sẽ phải làm thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề 5 năm/lần?

VTV.vn - Theo dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), người gia hạn giấy phép hành nghề phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước