Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 30/10/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Ngày 30/10, Quốc hội tiếp tục tiến hành công tác lập pháp.

Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp đó trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về các nội dung trên.

Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cần đơn giản hóa quy trình cấp phép tàu bay không người lái

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND) với 79 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến. Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH để xây dựng dự án Luật; đồng thời tổ chức khảo sát tại một số địa phương, đơn vị và tổ chức các cuộc tọa đàm để lấy ý kiến về dự án Luật.

Căn cứ kết quả khảo sát, tọa đàm, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và chỉnh lý dự án Luật; đã có Báo cáo một số nội dung lớn của dự án Luật số 2134 /BC-UBQPAN15, ngày 19/8/2024 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 (ngày 20/8/2024).

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến về việc quản lý tàu bay không người lái; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chỉ đạo về PKND ở các cấp cũng như một số nội dung sửa đổi trong dự án Luật PKND.

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân

Theo một số ĐBQH, việc quản lý tàu bay không người lái ở Việt Nam hiện tại đã được quy định khá chi tiết. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập cần được điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu sử dụng tàu bay không người lái.

Quy trình cấp phép cho tàu bay không người lái hiện nay khá phức tạp, đặc biệt là đối với các tàu bay không người lái sử dụng cho mục đích dân sự, thương mại hoặc giải trí. Điều này có thể làm chậm trễ các hoạt động kinh doanh hoặc nghiên cứu liên quan đến tàu bay không người lái. Ngoài ra, việc quản lý tàu bay không người lái vẫn còn thiếu một cơ sở dữ liệu tập trung và đồng bộ. Điều này gây khó khăn trong việc giám sát, cấp phép và theo dõi các hoạt động của tàu bay không người lái.

Với bất cập trên, các ĐBQH đề xuất cần đơn giản hóa quy trình cấp phép, đặc biệt là đối với các tàu bay không người lái có mục đích sử dụng rõ ràng và ít rủi ro như quay phim, chụp ảnh, nông nghiệp. Bên cạnh đó là xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, cho phép các cơ quan quản lý và người dùng đăng ký, tra cứu và quản lý tàu bay không người lái một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đề xuất với Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật về việc đảm bảo về nguồn lực tài chính và các điều kiện khác cho PKND; Điều chỉnh lại hoạt động chỉ đạo PKND; Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về PKND; Ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chỉ đạo về PKND ở các cấp. Mặt khác, một số ĐBQH cũng cho ý kiến về trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân các cấp trong phê duyệt đề án, dự án về PKND và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan; Quyết định ngân sách đảm bảo hoạt động cho PKND ở địa phương...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước