TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, phòng chống COVID-19

VTV News-Chủ nhật, ngày 25/07/2021 06:01 GMT+7

VTV.vn - Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, phòng chống COVID-19 của Quốc hội được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h đến 11h30 và từ 14h00 đến 16h45 ngày 25/7.

Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống COVID-19

Theo chương trình làm việc mới được điều chỉnh, Quốc hội sẽ làm việc trong cả ngày Chủ nhật (25/7).

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận của Quốc hội được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h đến 11h30 và từ 14h00 đến 16h45 ngày 25/7.

Trước đó, ngày 22/7, trình bày báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt; tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân, nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, phòng chống COVID-19 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh: TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ "phòng ngự" sang "tấn công" với chiến lược vaccine và phương châm "4 tại chỗ" đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mua, nghiên cứu, sản xuất và tiêm vaccine; thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Chính phủ đã bám sát quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cập nhật, bổ sung tình hình, tác động của đại dịch COVID-19, nhất là từ đầu năm 2021.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường.

Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội

Sau phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, phòng chống COVID-19, từ 16h45 ngày 25/7, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Theo Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).

Tại phiên thảo luận ngày 21/7, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với Chuyên đề 1 về thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị Quốc hội đưa Chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao.

Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao

VTV.vn - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước