Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phòng chống tham nhũng

Tạ Hiển-Chủ nhật, ngày 24/10/2021 06:29 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu trực tuyến chiều 23/10. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Quốc hội dành trọn ngày 24/10 để thảo luận thêm về các báo cáo về công tác tư pháp; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021; tổ chức phiên tòa trực tuyến...

Trong ngày Chủ nhật (24/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Trước đó, chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Gia tăng số vụ khởi tố về lừa đảo, đưa tin sai về COVID-19

Trình bày báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và phi phạm pháp luật năm 2021, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội đều được khẩn trương kiểm tra làm rõ, vượt chỉ tiêu quốc hội giao, tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm hơn 8% so với kỳ báo cáo trước.

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phòng chống tham nhũng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu lại diễn ra phức tạp, nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, số vụ khởi tố mới liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng 88%, chủ yếu về lừa đảo, mua bán dữ liệu cá nhân, đưa tin sai sự thật liên quan đến phòng chống COVID-19. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Báo cáo Quốc hội về công tác tòa án năm 2021, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong năm qua, các Tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Từ đầu tháng 10 năm ngoái đến hết tháng 9 năm nay, các Tòa án đã thụ lý gần 540.000 vụ việc, hơn 80% trong số này đã được giải quyết. Số vụ việc đã thụ lý và đã giải quyết có giảm do ảnh hưởng bởi COVID-19, một số vụ việc không thể mở phiên tòa.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành Tòa án, chất lượng xét xử các loại án và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao, đặc biệt là không có án oan.

Tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau"

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm vừa qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử nam vừa qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng theo quan điểm là không có vùng cấm, không có ngoại lệ và tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng. 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 16 người, kỷ luật 35 người.

Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau", tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục...

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phòng chống tham nhũng - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021

Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, vẫn còn tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp. Hiện tượng người dân phải lót tay trong giải quyết công việc vẫn chưa khắc phục triệt để.

Về các báo cáo định kỳ hàng năm, các đại biểu cơ bản tán thành và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước; về những tiến bộ, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh của những tháng cuối năm.

Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tòa án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử do luật định, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đồng thời cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi, các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến, một số yêu cầu khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời góp ý trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết.

Tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ 'lợi ích nhóm', 'sân sau' Tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau"

VTV.vn - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng ở lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, ngân hàng, y tế, giáo dục...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước