Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận về sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 02/11/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Quốc hội sẽ nghe Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tư, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sửa đổi Nội quy để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào chiều 20/10, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội.

Trên cơ sở thực tiễn và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), gồm 3 chương với 57 điều (tăng 1 điều so với Nội quy hiện hành), trong đó, bổ sung 9 điều, sửa đổi 43 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều.

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận về sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 1 điều quy định dẫn chiếu các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung của kỳ họp Quốc hội tại các luật, nghị quyết, bao gồm việc: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, Ủy ban tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nội quy kỳ họp để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc để quy định phù hợp hơn đối với trường hợp một số đại biểu bắt buộc phải vắng mặt tại một số phiên họp toàn thể, họp Tổ... để tham gia các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan về tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ thuật các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thì không coi là vắng họp.

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với quy định về chất vấn, tranh luận của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn theo quy định tại Điều 19 của dự thảo Nội quy kỳ họp. Tuy nhiên, về khoản 3 Điều 19, Ủy ban Pháp luật đề nghị: Ngoài việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn, cần bổ sung quy định về kéo dài thời gian phiên chất vấn; xác định rõ thời gian kéo dài tối đa trong từng trường hợp. Bổ sung điều kiện kéo dài thời gian phiên chất vấn cần xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất với quy định về phiên họp toàn thể của Quốc hội…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước