Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Quốc hội sau đó biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) (tối đa 20 phút).
Cuối ngày làm việc, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Thời hạn sở hữu nhà chung cư được quy định ra sao?
Trước đó, ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Liên quan đến nội dung thời hạn sở hữu nhà chung cư được dư luận quan tâm thời gian, trong dự thảo được Bộ Xây dựng trình Quốc hội, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình).
Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng. Cũng theo dự thảo, thời hạn sử dụng nhà chung cư được tính từ khi nghiệm thu nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Dự thảo Luật cũng quy đinh cụ thể các trường hợp phá dỡ nhà chung cư. Theo đó, nhà chung cư bị hư hỏng do cháy nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng. Nhà chung cư bị hư hỏng do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng…
Liên quan đến việc bố trí nhà ở tái định cư, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định đối với trường hợp theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì các chủ sở hữu được bố trí tái định cư tại chỗ theo phương án bồi thường đã được phê duyệt.
"Các chủ sở hữu phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư mới. Việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được xác định theo tỷ lệ diện tích sử dụng căn hộ của chủ sở hữu nhân với suất đầu tư xây dựng mới 1 m2 sàn nhà ở tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư", dự thảo luật nêu.
Trong báo cáo thẩm tra, liên quan đến vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh việc cưỡng chế di dời cư dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ tác động trực tiếp đến các quyền hiến định (quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền sở hữu nhà ở…) nên cần phải quy định trong Luật.
"Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư", ông Tùng cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!