Buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quốc hội tiếp đó sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 2 Điều khoản. Các quy định trong Dự thảo Luật tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 7 chính sách đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6/5/2021 của Chính phủ, bao gồm các vấn đề sửa đổi, bổ sung về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;…
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung thêm Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp phù hợp với môi trường kinh doanh và tiêu dùng trong thời kỳ phát triển kinh tế số.
Bổ sung thêm quy định mới về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó, đưa ra các nguyên tắc hợp tác, phạm vi hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia.
Để bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, dự thảo Luật đã bổ sung một Điều quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), trong đó đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bao gồm: “người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định pháp luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em; người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định pháp luật về công tác dân tộc; phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo”.
Làm rõ hơn nội dung về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung một số quy định, bao gồm: Bổ sung khái niệm về thông tin của người tiêu dùng, khái niệm người có ảnh hưởng; bổ sung quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, trong đó có quy định về hoạt động ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; bổ sung quy định về các nội dung cần có trong chính sách bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thiết lập cơ chế để người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn các trường thông tin mà người tiêu dùng đồng ý cung cấp, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thiết lập cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin của người tiêu dùng trong một số hoạt động như: chia sẻ cho bên thứ ba, sử dụng để thực hiện hoạt động tiếp thị, về trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ khi xảy ra sự cố đối với hệ thống thông tin làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Đối với các giao dịch trên không gian mạng, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng, cụ thể: Làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, khái niệm nền tảng số, nền tảng trung gian số; Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng trung gian số cho người tiêu dùng có trách nhiệm thực hiện bổ sung một số nội dung như: chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!