Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.
Cương quyết giữ trên 3,5 triệu ha diện tích đất trồng lúa
Chiều 30/10, tại phiên thảo luận trực tuyến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội hết sức quan tâm, bởi vì đất đai là một nguồn tài nguyên hết sức đặc biệt, không gian để phát triển: "Nếu chúng ta không quy hoạch sử dụng đất đai thì dẫn đến tình trạng các yêu cầu phát triển và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu để phát triển kinh tế - xã hội của chiến lược 10 năm, chúng ta sẽ có độ trễ rất lớn và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của đất nước".
Theo trưởng ngành tài nguyên - môi trường, so với các quy hoạch như xây dựng đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch giao thông là những quy hoạch sẽ cụ thể hóa và sẽ hiện thực hóa thì quy hoạch đất đai chỉ mang tính chất nền tảng để định hướng không gian.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Trong đó, quy hoạch xác định 3 ranh giới: Ranh giới bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; ranh giới bảo tồn, bảo vệ nhưng mà có phát triển hạn chế và ranh giới phát triển toàn diện. Với 3 ranh giới này thì có 4 khu vực (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất) để định hướng.
"Đất lúa, đất rừng phòng hộ, sông, suối, hồ, ao, di sản, danh lam thắng cảnh... là những nơi chúng ta cần phải bảo vệ. Đó là quy hoạch tĩnh và quy hoạch này còn phải giữ rất nhiều năm cho con cháu" - Bộ trưởng Hà nói.
Liên quan đến nhiều ý kiến về giữ hay phân lại diện tích đất trồng lúa giữ ổn định 3,5 triệu ha, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhấn mạnh, đây đảm bảo không chỉ vấn đề an ninh lương thực mà còn đảm bảo giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được.
"Chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu ha. Đất trồng lúa này chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ khác, chứ không phải chỉ riêng đất trồng lúa. Nếu chúng ta bây giờ mà khai thác hết, không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu như có nhu cầu phát triển" – ông Trần Hồng Hà cho biết.
Về ý kiến cho rằng quy hoạch sử dụng đất đai đang chậm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra, vấn đề quy hoạch đất nhiều năm nay luôn chậm bởi sự lệch pha giữa chiến lược phát triển kinh tế, thông thường là năm đầu của năm tiếp theo của kỳ quy hoạch.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất là nền tảng, thiếu nó không thể thực hiện được các quy hoạch về sử dụng đất nên bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ cho phép kéo thời gian độ trễ nhưng không quá một năm, để làm sao có thể tiếp cận và cập nhật các chiến lược phát triển kinh tế xã hội sau khi điều chỉnh. Trên cơ sở đó sẽ không có tình trạng chậm nữa.
Quy hoạch sử dụng đất bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kì 2011-2020. Đa số đồng tình nhận định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhỏ nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh lương thực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Các đại biểu cũng nêu bất cập, hạn chế cần khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu, có chỉ tiêu đạt dưới 50% như đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất lịch sử, văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải. Lập điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương rất chậm.
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới, đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh và đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; việc đề cao vai trò giám sát của nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các chỉ tiêu cụ thể như chỉ tiêu đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Phối hợp với Ủy ban Kinh tế, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua trong đợt họp trực tiếp của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỷ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 trình Quốc hội xem xét thông qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!