Chiều 28/3 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
Cùng dự và chỉ đạo Hội nghị lần này có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2023 với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có thể thấy rõ trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam trong năm vừa qua. Cụ thể, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định, phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo. Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, nhạy bén và sát với thực tiễn. Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng của đất nước.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, có được những kết quả đó là nhờ có sự đóng góp tích cực của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là vai trò tích cực, trung tâm của các đại biểu Quốc hội, dù ở bất cứ cương vị nào cũng đều tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV của Đảng; chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2026 - 2031. Vì vậy đòi hỏi cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quốc hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Hội nghị lần này nhằm góp phần tích cực để thực hiện các mục tiêu trên.
Báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2023 là năm khối lượng công việc của Quốc hội rất lớn, nhưng với sự đổi mới, chủ động, linh hoạt, trách nhiệm của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội trong điều hành hoạt động tham gia công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát đã phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, xây dựng một Quốc hội "lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời".
Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chương trình giám sát năm 2024, sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát nội dung chương trình Kỳ họp để chuẩn bị xây dựng kế hoạch từ sớm từ xa phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV và các Kỳ họp bất thường (nếu có).
Về hoạt động giám sát, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; xây dựng chương trình giám sát trên cơ sở Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, tập trung vào những vấn đề cử tri đang quan tâm, bức xúc và những nội dung cần tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách pháp luật.
Cùng với đó là tổ chức giám sát và tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần tích cực vai trò trung tâm trong hoạt động của Quốc hội; tham gia đầy đủ các Hội nghị bồi dưỡng cập nhật kiến thức, thảo luận sôi nổi chất lượng, đóng góp nhiều ý kiến tại các Kỳ họp Quốc hội; tham gia đầy đủ các hoạt động đối nội, đối ngoại của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội; thực hiện tốt Quy chế hoạt động của Đoàn, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, tham gia đầy đủ hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, tích cực đóng góp vào sự phát triển của địa phương...
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội
Phát biểu về một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với các nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội; đồng thời đề nghị các Đoàn quan tâm phối hợp triển khai hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện chương trình kỳ họp của Quốc hội, trong đó cần lưu ý các nội dung về đánh giá kết quả mỗi kỳ họp Quốc hội.
Phục vụ việc xây dựng Chương trình giám sát năm 2025, tính đến ngày 19/3/2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản đề xuất của 57/63 Đoàn với 76 vấn đề thuộc 9 lĩnh vực. Ông Bùi Văn Cường đề nghị các Đoàn tiếp tục quan tâm phối hợp tốt, đề xuất các nội dung phù hợp, đúng quy định để việc xây dựng Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn.
Đồng thời, các Đoàn chủ động nghiên cứu, đề xuất nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tham mưu giúp chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát, bảo đảm tránh trùng lặp các đoàn giám sát tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh...
Các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường cung cấp thông tin đến cử tri địa phương về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như những nội dung kiến nghị đã được giải quyết, trả lời thuộc thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội. Các Đoàn xây dựng và gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn, đồng thời gửi qua hệ thống thư điện tử sau khi ban hành để kịp thời tổng hợp, báo cáo...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN
Nhấn mạnh Hội nghị được tổ chức ngay sau thành công của Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng khi các đại biểu đều đánh giá cao sáng kiến và mong muốn hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố sẽ được tổ chức thường niên.
Biểu dương những thành tích đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thì các đoàn đại biểu Quốc hội cần hướng đến nâng cao chất lượng của từng Đại biểu Quốc hội, trước mắt là nâng cao chất lượng của công tác tiếp xúc cử tri.
Cũng trong chiều 28/3 đã diễn ra Lễ phát động phong trào thi đua Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Phát động phong trào, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu và từng cá nhân tham gia phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, với bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trí tuệ, giá trị cho Quốc hội; nỗ lực phấn đấu thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với niềm tin của cư tri và nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Dù thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn là tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ với nhau để cụ thể hóa phong trào thi đua cho sát thực, phổ biến, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!