Ngày 6/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 321/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai.
Thông báo nêu rõ: Tỉnh Lào Cai nằm ở vị trí trung tâm của khu vực trung du, miền núi phía Bắc; đồng thời nằm trên hai hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn); là tỉnh biên giới có vị trí quan trọng về địa kinh tế, quân sự, đối ngoại; là "cửa ngõ xung yếu" và "phên dậu của Tổ quốc".
Lào Cai là nơi có "sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh"; có cửa khẩu quốc tế lớn; có diện tích rộng và mật độ dân cư thấp (diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 và dân số đứng thứ 54/63 cả nước); có đầy đủ các loại hình giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế (đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không Sa Pa sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian tới). Tỉnh Lào Cai có các địa danh du lịch nổi tiếng, đã có thương hiệu (như Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, Bắc Hà, …); có nền văn hóa đa dạng, có bản sắc riêng với 25 dân tộc; có kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo; giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng,…). Tỉnh Lào Cai có nhiều thuận lợi và hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; sản xuất còn manh mún, công nghiệp chưa phát triển, kinh tế biên mậu không ổn định; tỷ lệ đô thị hóa thấp so với bình quân cả nước; huy động nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; một số di sản văn hóa phi vật thể, nét đẹp truyền thống chưa được khai thác hiệu quả; quốc phòng, an ninh còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp…
Trong thời gian tới, dự báo tình hình trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới đất nước ta nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng; trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn so với thời cơ, thuận lợi. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; đồng thời cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trong bất cứ hoàn cảnh nào, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tỉnh Lào Cai phải phát huy truyền thống lịch sử hào hùng qua các thời kỳ, phát huy năng lực, điều kiện sẵn có của mình để chủ động, tích cực xây dựng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị, góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; xây dựng khu vực phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiên trì giữ đúng nguyên tắc nhưng điều chỉnh linh hoạt trong quá trình điều hành.
Phát huy, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội để trở thành nguồn lực phát triển; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh bùng phát trở lại; tập trung tiêm vaccine an toàn, khoa học và hiệu quả cho các đối tượng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế; tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế.
Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", chuẩn bị thật tốt cho năm học mới; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của địa phương.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh hơn nữa công tác quy hoạch với tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước và phải phát huy được tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; hóa giải được các điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, thách thức; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phải khai thác tối đa bản sắc văn hóa, thương hiệu Sa Pa; lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển để tạo không gian phát triển mới cho tỉnh Lào Cai và cả vùng.
Lào Cai tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; triển khai tích cực, hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách.
Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, làm công trình nào dứt điểm công trình đó, không manh mún, dàn trải, chia cắt.
Tập trung, ưu tiên nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng (cảng hàng không Sa Pa và các tuyến đường kết nối; hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa; logicstic…); đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các cấp, các ngành, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh huy động hợp tác công tư, xây dựng cơ chế chính sách để tăng cường huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Tập trung tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu sớm tự cân đối được ngân sách.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!