Làm rõ hơn "trường hợp cấp bách" cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 26/05/2022 12:05 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc, xem xét kỹ quy định về phạm vi và thẩm quyền của Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị.

Bảo đảm cho Cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất

Tại thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến về quyền hạn của Cảnh sát cơ động cũng như việc huy động người, phương tiện, thiết bị.

Trình bày Báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của CSCĐ quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; có ý kiến đề nghị quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ.

Làm rõ hơn trường hợp cấp bách cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: TTXVN

Báo cáo giải trình nêu rõ, UBTVQH nhận thấy, nội dung này được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan và cơ bản kế thừa Pháp lệnh hiện hành, đồng thời, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cơ bản nhằm bảo đảm cho CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Về vấn đề huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16), một số ý kiến đề nghị không quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị của lực lượng Quân đội nhân dân, nhất là ở trên biển, trên không, khu vực biên giới.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý tên điều và nội dung điều luật theo hướng chỉ huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.

Một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể về phương thức, trình tự, thủ tục huy động; làm rõ "trường hợp cấp bách" được huy động.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng vũ trang nói chung, CSCĐ nói riêng cần được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong một số trường hợp đặc biệt để bảo đảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đây là các tình huống phát sinh ngoài dự kiến, rất đa dạng khó lường. Hiện nay, một số luật trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trong đó có Luật Công an nhân dân cũng quy định về quyền này trong "trường hợp cấp bách" hoặc "trường hợp khẩn cấp" và gắn với mục đích, yêu cầu cụ thể. UBTVQH xin Quốc hội cho giữ nội dung này và bổ sung mục đích huy động như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Tránh trường hợp lạm dụng quyền huy động người, phương tiện, thiết bị

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, Điều 9 về nhiệm vụ và Điều 10 quy định quyền hạn của cảnh sát cơ động nhưng vẫn còn số điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động như Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các điều, khoản trong điều luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, sắp xếp khoa học, tích hợp các nhiệm vụ cụ thể và các điều luật đã quy định về nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát cơ động.

Làm rõ hơn trường hợp cấp bách cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật. Đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản. Cho nên cần có quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng bày tỏ băn khoăn về quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị. Việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Nhưng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.

Làm rõ hơn trường hợp cấp bách cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức phát biểu. Ảnh: TTXVN

Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, quy định thẩm quyền như dự thảo Luật là quá rộng, vì có những người phục vụ lâu dài, có những người không phục vụ lâu dài trong lực lượng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có.

Đại biểu nêu rõ, trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp, do đó cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Bên cạnh đó, cần giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước