“Làm Luật Điện ảnh khó như tuyển con dâu”

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 14/09/2021 13:45 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là một vấn đề rất khó.

Sáng 14/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

“Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp về họp lại ban soạn thảo. Đây là vấn đề mà chúng tôi ý thức được là khó. Có lần tôi đã nói vui một chút, giống như tuyển con dâu “thì phải vừa đẹp như hoa hâu, cơ bắp thì phải như lực sĩ”, vấn đề rất khó nhưng Bộ sẽ cố gắng tiếp thu”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa ,Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sau các ý kiến góp ý về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

“Làm Luật Điện ảnh khó như tuyển con dâu” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Trước đó, trong phần trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được nghiên cứu, soạn thảo theo đúng trình tự, thủ tục và đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 8 chương, 52 điều. Trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

“Dự thảo Luật phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tiền kiểm - hậu kiểm, đấu thầu - đặt hàng - giao nhiệm vụ

Báo cáo thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Như “Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước” (Điều 14) dự thảo quy định 2 phương án là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu.

Về quy định “Phổ biến phim trên không gian mạng” (Điều 21), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng là hậu kiểm và tiền kiểm.

“Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề xuất phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

“Làm Luật Điện ảnh khó như tuyển con dâu” - Ảnh 2.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đề xuất phương án kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm về quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng

Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định tại Luật hiện hành nhưng đến nay chưa được thành lập. Theo ông Vinh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ vì chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật có quy định về Quỹ nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.

“Có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao”, báo cáo thẩm tra cho biết.

Thảo luận thêm về dự án luật, nhận định điện ảnh không chỉ là loại hình nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng điện ảnh liên quan đến rất nhiều ngành văn hóa tổng hợp khác, nhất là ngành du lịch.

“Phải nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độ tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp. Đã là ngành công nghiệp rồi thì phải phát triển trên nền tảng các quy luật kinh tế. Chúng ta phải có chính sách phát triển điện ảnh như một ngành kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng điện ảnh cần được tiếp cận ở cả nền tảng truyền thống, vừa ở nền tảng số. Trên cơ sở đó, vấn đề mấu chốt cần xem xét để sửa đổi Luật Điện ảnh là điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Đối với sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu và cho rằng cần quy định cụ thể trường hợp nào cần phải đấu thầu. Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, bên cạnh việc giao nhiệm vụ và đặt hàng, việc thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Về quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cần kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm, trong đó về cơ bản là hậu kiểm nhưng một số trường hợp phải tiền kiểm.

“Làm Luật Điện ảnh khó như tuyển con dâu” - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng điện ảnh cần được tiếp cận ở cả nền tảng truyền thống, vừa ở nền tảng số

Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng dự thảo Luật cần cụ thể hóa hơn chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư điện ảnh, trong đó nội dung cốt lõi là chính sách đãi ngộ cán bộ, nghệ sĩ có thành tựu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà; người hoạt động điện ảnh chuyên sâu, chuyên nghiệp để xây dựng đội ngũ phát triển nền điện ảnh Việt Nam.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung làm rõ các quy định về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, phổ biến phim trên không gian mạng và Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

“Trên cơ sở ý kiến tại phiên thảo luận, đề nghị Chính phủ có văn bản giải trình, tiếp thu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội hoàn thành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội”, ông Mẫn nêu rõ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước