Về quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án siêu lớn là đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là 2 quyết sách được cử tri, doanh nghiệp quan tâm đặc biệt vì đặt nền móng cho đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án lớn nhất chưa có tiền lệ mà Quốc hội từng bấm nút thông qua, với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD. Còn dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng cách đây 8 năm, nay đã được Quốc hội đồng ý khởi động lại trước nhu cầu lớn về an ninh năng lượng, cũng như cam kết về giảm phát thải.
''Để đất nước sang một giai đoạn chuyển mình thì cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao cũng như là năng lượng hạt nhân. Tôi cho rằng mấy dự án này người dân rất mong đợi ủng hộ rất nhiều'', luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Tú Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết cho biết: ''Các đại biểu đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu thảo luận rất thẳng thắn, trách nhiệm, để làm sao đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất liên quan đến các dự án, để khi triển khai trong tương lai đạt được kết quả thực sự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ an sinh xã hội cho người dân''.
Đáng chú ý, đối với nhiều quyết sách lớn trong phát triển các thành phố lớn, cơ sở hạ tầng, năng lượng, Quốc hội đã cho thấy tư duy đổi mới, có tính hoạch định lâu dài, kết hợp tổng thể, hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
''Khi Quốc hội thông qua thì các cơ quan có liên quan sẽ triển khai rất tập trung, trách nhiệm, đảm bảo cam kết hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng lớn của toàn dân để làm sao đất nước có thể phát triển vượt bậc trong thời gian tới'', bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nhận định.
Tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế
Tại phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trân trọng đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật; Dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; Luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
Trên tinh thần đó, trong 18 luật, 21 Nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua, nhiều dự luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trên tinh thần: Đổi mới từ tư duy đến hành động.
Nhiều đạo luật được Quốc xem xét, thông qua đã giảm số lượng chương, điều, khoản so với dự thảo khi trình. Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi giảm 2 chương, 3 điều. Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi giảm 49 điều, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi giảm 36 điều; Luật Nhà giáo giảm 21 điều; Luật Đầu tư công giảm 9 điều; Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn giảm 6 điều, Luật Dữ liệu giảm 5 điều.
''Tôi ấn tượng nhất đó là sự tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt thể chế, đây chính là tinh thần chỉ đạo chung của Tổng Bí thư, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, và việc chúng ta áp dụng ban hành các nghị quyết hoặc một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ bất cập trong thực tiễn thì việc tháo gỡ điểm nghẽn tại kỳ họp này đã mang lại những giá trị rất tích cực cho việc giải phóng nguồn lực'', ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết.
Ông Phạm Văn Thịnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng: ''Công tác thể chế đã được thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn và đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, tránh để thực tiễn chờ đợi quá lâu mới sửa những quy định mà trong luật đã thấy rõ bất cập''.
Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách là ví dụ điển hình cho công tác lập pháp chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Đảng, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo''. Trong đó, Luật Đầu tư công đã nâng quy mô dự án quan trọng Quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Luật sửa đổi 7 luật tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Với những kết quả đạt được trên cả 3 nhiệm vụ: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp thứ 8 đã cho thấy Quốc hội tiếp tục khẳng định sự tiên phong, gương mẫu và quyết tâm hành động trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; thực sự kiến tạo, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!