Tại Tỉnh ủy Ninh Bình, tháng trước, một cán bộ chủ chốt của địa phương đã được đồng ý cho nghỉ hưu trước tuổi. Trước đó, vị cán bộ này bị cảnh cáo và đã chủ động xin từ chức. Không chỉ Ninh Bình, nhiều cán bộ tại các địa phương khác cũng đã đã xin thôi công tác sau khi thấy uy tín của bản thân bị giảm sút. Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã có hành động tương tự.
"Bây giờ không phải chỉ kỷ luật, nếu anh thấy có khuyết điểm, anh tự nhận và anh xin thôi, tự từ chức thì Trung ương hoặc các cơ quan có thẩm quyền đồng ý quyết định, như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn và cũng không mất hết các chức vụ. Và đồng chí nào còn sức khỏe, có trình độ, có khả năng thì có thể tham gia vào các công việc khác phù hợp hơn", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Khi một cán bộ giảm sút uy tín được thay thế kịp thời sẽ giúp cho công việc ở các cơ quan, đơn vị được tiến hành thông suốt. Nhưng quan trọng hơn, sẽ có một số lượng vị trí cán bộ tương ứng được tịnh tiến. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều cán bộ khác có điều kiện để rèn luyện, cống hiến.
Chuyện có vào có ra, có lên có xuống đang dần trở thành một chuyện bình thường trong công tác cán bộ. Khi sự tự trọng được đề cao cũng là lúc mỗi người cán bộ sẽ phải suy nghĩ và trách nhiệm hơn với mỗi quyết định của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!