Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Các đại biểu ghi nhận kết quả của năm 2022 với GDP tăng trưởng 8,02%, 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Đầu năm 2023, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần đánh giá đúng các nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến tăng trưởng GDP Quý I/2023 thấp. Bên cạnh đó là tình trạng cán bộ thiếu năng động, sợ trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần ngắn gọn, khái quát, xác thực và khách quan hơn. Nhận diện cho hết các thành tựu phát triển kinh tế, xã hội cũng như thẳng thắn chỉ ra tồn tài, hạn chế hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ đang rất nỗ lực, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện và tình hình kinh tế, xã hội 4 tháng đầu năm bước đầu có những chuyển biến tích cực. Với sự đồng hành của Quốc hội, nhiều giải pháp phù hợp sẽ tiếp tục được ban hành nhằm giúp kinh tế các quý sau phục hồi và phát triển.
* Cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định, nhất là quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của người quản lý, người điều hành, ban kiểm soát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát, hoàn thiện các nội dung về tài chính của tổ chức tín dụng về doanh thu, chi phí, lãi dự thu, trích lập dự phòng, hạch toán lãi lỗ, kế toán; nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung chính sách liên quan đến số hóa dịch vụ ngân hàng cùng các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để luật hóa những nội dung về tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường; cho rằng nên có chương riêng quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm xác định địa vị pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi tái cơ cấu phát triển các ngân hàng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!