Công tác xét xử, thực hành quyền công tố đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là nhấn mạnh trong phiên thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế tồn tại, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với các giải pháp kiến nghị được nêu trong các báo cáo của của các cơ quan Tư pháp, đồng thời đề xuất một số kiến nghị.
Quang cảnh phiên họp sáng 30/3. Ảnh: TTXVN
Bà Hà Thị Lan - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề xuất cấp có thẩm quyền đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân các cấp để người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin, giúp giảm bớt thời gian, công sức và chi phí đi lại, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Các cấp thẩm quyền cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ví dụ như cho phép Tòa án nhận ủy quyền của cơ quan thi hành án dân sự để thu nộp, tạm ứng án phí, cho phép thực hiện dịch vụ văn bản tố tụng qua bưu điện, Internet và rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc, vụ án, người dân khi phải kiện tụng đến tòa án là rất ngại vì nhiều thủ tục, giấy tờ, mất nhiều thời gian và công sức.
Ông Trần Văn Mão - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có ý kiến: "Tỷ lệ án bị hủy 3 năm gần đây xấp xỉ ngang nhau cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của ngành tòa án. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp phải hủy, phải sửa án do nguyên nhân chủ quan và một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quyết định hình phạt với mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác. Còn một số vụ án vi phạm thời hạn xét xử, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án tối cao với tòa án cấp huyện ít hơn so với trước đây, khi thẩm quyền này thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tôi kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống tư pháp tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để nâng cao hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án.
Ông Trịnh Ngọc Phương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh phát biểu: "Chúng ta chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, cụ thể như thế nào, nhất là đối với chức danh thẩm phán? Để được vào thẩm phán, trước tiên phải có thời gian dài làm công chức trong ngành tòa án, phải qua thi tuyển rất khắt khe và cuối cùng đủ tiêu chuẩn thì mới được Chủ tịch nước bổ nhiệm. Mặc dù trong báo cáo không nêu nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua, không ít thẩm phán xin nghỉ việc vì lý do áp lực công việc mà thu nhập thì không tương xứng với những gì mà họ cống hiến. Nếu chỉ nói chăm lo thôi mà không xem xét cụ thể đến mức lương có tương xứng với những gì đội ngũ thẩm phán đã dành công sức, tâm trí, chí lực của họ dành cho công việc thì quả thực chưa ổn và thỏa đáng.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu: "Hiện nay cũng chưa chuẩn bị được cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ việc ghi âm, ghi hình hoặc là cơ sở vật chất chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ dẫn đến chất lượng ghi âm, ghi hình kém hoặc là thiếu độ tin cậy mặc dù, nguồn nhân lực đã được đào tạo một cách bài bản và chuẩn bị đầy đủ. Đây là một vấn đề mà các cơ quan tư pháp rất băn khoăn, lo lắng. Tôi đề nghị rằng, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, bảo đảm điều kiện để thực thi việc ghi âm, ghi hình, nhằm triển khai hoạt động tố tụng được liên tục và đúng pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!