Với quyết tâm chính trị cao, Hội nghị đã thống nhất nhiều chủ trương mang tính đột phá, trong đó nổi bật là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính. Cùng với đó, công tác chuẩn bị nhân sự và các điều kiện tổ chức Đại hội XIV của Đảng cũng được triển khai kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng từng bước.
Tất cả phản ánh một tinh thần cải cách mạnh mẽ, bài bản và đầy bản lĩnh của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có, thể hiện rõ quyết tâm và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị với phạm vi cải cách sâu rộng và quyết tâm hành động thực chất.
Hai nhóm vấn đề lớn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn, thảo luận và có những quyết sách quan trọng, đó là về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và nhóm vấn đề về tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
"Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Những quyết định của Ban Chấp hành Trung ương lần này từ việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền 2 cấp, sáp nhập các tổ chức quần chúng, cải tổ hệ thống các cơ quan tư pháp cho thấy Đảng đã nhìn thẳng vào một sự thật, đó là bộ máy cồng kềnh không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Để thúc đẩy hiệu quả quản trị quốc gia, Trung ương đã chọn bước đi khó nhất, quyết tâm khắc phục điểm hạn chế này. Đây thực sự là quyết sách chiến lược chưa từng có.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Tôi cho rằng những thay đổi, cải cách lần này có tính chất lịch sử, bởi lẽ trong 80 năm chính quyền mới của chúng ta, đây là sự thay đổi lớn nhất về cấu trúc của mô hình quản trị quốc gia. Nó giải quyết những vấn đề chưa có tiền lệ. Tôi rất ấn tượng với ý chí, nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước", ông Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông) nêu quan điểm.
"Sắp xếp xã lần này khác lần trước. Trước đây, sắp xếp hướng tới các xã có quy mô nhỏ, nhưng lần này, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương mới, đảm bảo nguyên tắc làm sao đúng và xuyên suốt, gần dân, sát dân, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn", bà Nguyễn Thị Tú Thanh (Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ) nhận định.
"Lần này, chúng ta đã đưa ra được quyết định tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tới đây, Quốc hội sẽ sửa hiến pháp, bàn những công việc cụ thể của chính quyền địa phương, từ đó chúng ta thấy đây là việc làm từ trước tới nay chúng ta chưa làm tốt, bây giờ chúng ta làm để tạo ra bước nhảy, bước chuyển mình mạnh mẽ", ông Vũ Trọng Kim (Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho biết.
Trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 hôm qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là Hội nghị Trung ương mang tính lịch sử.
Lý giải việc gọi Hội nghị Trung ương 11 là Hội nghị Trung ương mang tính lịch sử, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) cho biết: "Đã là Hội nghị Trung ương thì toàn bàn những việc quan trọng của đất nước, nhưng Hội nghị Trung ương 11 lần này, Trung ương thảo luận và quyết định những vấn đề rất quan trọng, rất cốt lõi, rất cơ bản từ xưa đến nay chưa có trong tiền lệ".
"Từ khi thành lập nước đến nay, nước ta vẫn có tỉnh, huyện, xã, nhưng Hội nghị Trung ương 11 lần này quyết định chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã, không còn cấp huyện. Đây có thể nói là quyết định lịch sử chưa có trong tiền lệ vì liên quan đến vấn đề lớn của đất nước", ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Trung ương thống nhất giảm 60% - 70% số xã
Trong lịch sử 80 năm, kể từ khi thành lập nước, Việt Nam đã trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách.
Năm 1945, khi thành lập nước, Việt Nam có 61 tỉnh, thành. Thời điểm số đơn vị hành chính cấp tỉnh nhiều nhất là sau khi thống nhất đất nước (tháng 4/1975), với 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Năm 1976, khi thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính trên diện rộng, cả nước còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là thời điểm có số lượng tỉnh, thành ít nhất.
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tại Hội nghị Trung ương 11, Trung ương đã thống nhất quyết định số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với cấp xã, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất sáp nhập để đảm bảo cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Hội nghị Trung ương 11 được tổ chức sớm hơn 1 tháng so với thông lệ bởi những yêu cầu vô cùng cấp bách để có thể hoàn thành các mục tiêu công việc mà Trung ương đề ra. Điều này cũng thể hiện rõ một tinh thần khẩn trương quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng ta.
Trong đó, việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hướng 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã, là một quyết định lịch sử và cần thiết. Khi bộ máy được rút gọn, trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, nguồn lực không bị phân tán và người dân - đối tượng phục vụ cuối cùng, sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Một hệ thống chính trị, hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đang dần hình thành, đặt đất nước vào tư thế chủ động, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!