Sáng 21/10, tại thành phố Hải Dương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương để nghe và cho ý kiến về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai vui mừng nhận thấy năm 2023, Hải Dương đã quay về nhịp phát triển, có nhiều kết quả nổi bật như cụ thể hóa các chủ trương nghị quyết của Đảng, chuyển đổi số. So với cả nước, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương là khá tốt nhưng so với chỉ tiêu đặt ra thì chưa như kỳ vọng. Công tác phát triển Đảng có nhiều nỗ lực. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tỉnh cần cần sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh; tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu Đại hội Đảng các cấp, có giải pháp khắc phục hạn chế để xác định nhiệm vụ của tỉnh trong những năm tiếp theo. Hải Dương cần quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ; thực hiện hiệu quả việc điều động cán bộ, cố gắng đảm bảo đến cuối nhiệm kỳ đạt 100% Bí thư cấp huyện không phải người địa phương. Đồng thời, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác cán bộ cho 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và XIX.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, tỉnh Hải Dương cần tính toán, rà soát kỹ lưỡng, không máy móc, không chạy theo thành tích trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương để có quyết định phù hợp với thực tiễn của tỉnh, không để xáo trộn quá lớn, gây khó khăn cho người dân và các cán bộ cấp cơ sở. Đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương trong thực hiện Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, khu dân cư, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tỉnh cần quan tâm cải thiện về chính sách để động viên kịp thời đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Về công tác phát triển Đảng, Hải Dương cần xác định chỉ tiêu phù hợp, đảm bảo chất lượng đi đôi với số lượng; tăng cường công tác quản lý đảng viên; tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Nhấn mạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng Đảng cần quan tâm đến chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị Đảng bộ Tỉnh ủy Hải Dương cần đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực cao hơn để hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra gắn với các Nghị quyết Trung ương đã ban hành.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra 19 chỉ tiêu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Hải Dương đã thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo cán bộ; rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Toàn tỉnh hiện có 7/12 Bí thư cấp huyện không là người địa phương, 45 Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (45/235 đơn vị), 94,75% Bí thư đồng thời là Trưởng thôn, khu dân cư. Cấp ủy các cấp trong toàn tỉnh đã kiểm tra 2.601 tổ chức Đảng và 2.640 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 1.411 tổ chức Đảng và 2.291 đảng viên; thực hiện nghiêm công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng giám sát đối với nhiều nội dung quan trọng, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri tỉnh tới Quốc hội. Hội đồng nhân dân các cấp đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Về kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 2021 - 2023 ước tăng bình quân 8,58%/năm; 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 76.608 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có khoảng 18.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 500 doanh nghiệp FDI. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh hiện có 24 khu công nghiệp, 58 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng đạt trên 80%. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2022 đạt 102,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 2,2%/năm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1 tỷ USD (cấp mới 59 dự án, điều chỉnh vốn 78 lượt dự án). Tỉnh đang đầu tư 3 dự án giao thông lớn kết nối vùng, tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn ở nhóm dẫn đầu cả nước. Hải Dương đang phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc - Vĩnh Nghiêm - Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới.
Các chính sách an sinh xã hội được rà soát, nâng lên cao hơn qua từng năm, đời sống nhân dân được nâng cao (thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 69,8 triệu, năm 2023 ước đạt 95 triệu đồng). Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố; an ninh - trật tự được bảo đảm. Tỉnh đã hoàn thành trước thời hạn nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hiện đang tích cực triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng trụ sở làm việc công an cấp xã trên địa bàn tỉnh".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!