Giảm tải bệnh viện: Không chỉ bằng con số!

Thời sự VTV - thoisu@vtv.vn-Thứ tư, ngày 04/03/2015 19:34 GMT+7

(VTV.vn) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, giảm quá tải nhưng phải đi liền với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế về tiếp tục thực hiện đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, trong chiều nay (4/3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, giảm quá tải nhưng phải đi liền với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Sau 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện, một nửa số bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép giường; Bổ sung được trên 5.000 bàn khám đối với khu vực ngoại trú; Xây mới nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng như cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới 172 khoa trong các bệnh viện; Xây mới 116 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Bên cạnh đó, 63% số bệnh viện tuyến Trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng gường bệnh và 25% số bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án này trong thời gian tới, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng bệnh viện từ nguồn đầu tư phát triển và vốn trái phiếu Chính phủ, liên kết và xã hội hóa cũng như đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Trung ương cho lĩnh vực y tế đã lên tới 5 tỷ USD trong 8 năm trở lại đây, nếu tính cả nguồn vốn 20.000 tỷ đồng đầu tư cho 5 bệnh viện lớn thì con số này lên tới 6 tỷ USD. Theo Bộ Tài chính, ngân sách Nhà nước là có hạn, vốn vay ODA cũng không tăng được nhiều vì thế để có nguồn lực cho ngành y tế trong giai đoạn tiếp theo thì việc huy động từ nguồn xã hội hóa là tất yếu. Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tạo ra sự thay đổi về cơ chế để tư khuyến khích tư nhân đầu tư vào các khoa khám bệnh cũng như bệnh viện nào có thể tự chủ về tài chính thì Chính phủ xem xét tạo điều kiện để đẩy nhanh giá dịch vụ theo hướng tính đúng tính đủ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực liên quan tới lợi ích của người dân và được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Nếu như so với những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người và trình độ ngang nhau thì trong những năm qua thành tựu y tế của chúng ta đạt được rất lớn trong các lĩnh vực như công tác dự phòng, khám chữa bệnh, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sỹ, áp dụng khoa học mới, công nghệ hiện đại, chuyên sâu. Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành y tế thời gian qua đã nỗ lực giảm tải tại các bệnh viện, tăng thêm hơn 15.000 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, những cố gắng đó vẫn chưa đủ bởi tình trạng quá tải vẫn còn diễn ra, rất nhiều người dân còn phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để được khám chữa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ngành y tế cần đầu tư tập trung cho các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện Trung ương thay vì đầu tư dàn trải nhất là các bệnh viện tuyến dưới như hiện nay bởi thực tế, người dân luôn có nhu cầu được đến khám ở những nơi có thiết bị kỹ thuật hiện đại, bác sỹ có chuyên môn sâu. Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn trung hạn 2016 – 2020 sắp tới, ngành y tế cần lập kế hoạch cụ thể như xây thêm bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu khoa khám bệnh cũng như đầu tư trang thiết bị để Chính phủ hỗ trợ tìm nguồn lực ứng trước rồi trả sau. Đặc biệt, ngành cần tập trung thực hiện các giải pháp như tăng thêm số giường bệnh để giảm tải, phấn đấu khởi công và hoàn thành các bệnh viện lớn đã được phê duyệt trong kế hoạch. Quan trọng hơn là tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt trong việc xây dựng thêm các bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao, gắn với đào tạo tại chỗ và cử cán bộ tăng cường xuống hướng dẫn tại các tỉnh thành phố chứ không chỉ dừng lại ở con số 38 địa phương tham gia như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý với các đề xuất của Bộ Y tế như đầu tư trang thiết bị cho y tế tuyến xã, thí điểm mô hình phòng khám gia đình, áp dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa, xem xét việc đồng bộ hóa kết quả xét nghiệm ở mức độ nào đó là như nhau. Đối với một số phòng khám, bệnh viện nào tự chủ về tài chính trong đầu tư xây dựng sẽ xem xét đẩy nhanh tính giá dịch vụ theo tính đúng tính đủ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước