EuroCham đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết về việc quản lý thuốc

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 21/01/2022 16:38 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 tại Phiên họp thứ 6

VTV.vn - Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, việc gia hạn sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành đến 31/12/2022 sẽ giúp tháo gỡ khó khăn và gánh nặng do dịch bệnh gây ra cho doanh nghiệp.

Ngày 30/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tại Điều 6 quy định về việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Ông Alain Cany đã thay mặt các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam gửi Thư tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bày tỏ sự đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết này, coi đây là một bước tiến quan trọng cho cả doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu trong việc phục hồi kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe của người dân.

EuroCham đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết về việc quản lý thuốc - Ảnh 1.

Chủ tịch EuroCham, Alain Cany phát biểu trong một sự kiện tại Hà Nội. Ảnh: EUROCHAM

Đặc biệt, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, việc gia hạn sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành đến 31/12/2022 cùng với các quy định khác về thuốc, nguyên liệu thô sẽ giúp tháo gỡ khó khăn và gánh nặng do tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp gây ra cho các doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 15/12/2021, Đại sứ các nước thành viên EU, Đại sứ Thụy Sĩ và Nhật Bản gửi công hàm đề nghị Quốc hội Việt Nam xem xét ban hành Nghị quyết trong tháng 12/2021 để cho phép tiếp tục sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành để nhập khẩu và lưu hành thuốc trong năm 2022.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này thể hiện sự quyết tâm trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, sự quan tâm đối với các hoạt động kinh tế, sự đồng hành của Quốc hội và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế theo chủ trương lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Nội dung Nghị quyết gồm 9 điều, cụ thể như sau:

Điều 1, Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Điều 2, Điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19; Điều 3, Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Điều 4, Về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; Điều 5, Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19; Điều 6, Việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19; Điều 7, Bình ổn giá trang thiết bị y tế; Điều 8, Về chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Điều 9, Về hiệu lực thi hành.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 30/12/2021, trong đó, các quy định tại Điều 3, 4, 8 của Nghị quyết này được áp dụng từ ngày 01/01/2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước