Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam thường phải đương đầu với các thế lực xâm lược mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần. Vậy điều gì đã giúp Việt Nam có được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước?
Trong cuốn sách "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tư tưởng cốt lõi xuyên suốt lấy xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đường lối đó đã được thể hiện rõ nét trong Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự của Việt Nam.
Hình ảnh về cuộc hành quân rất đặc biệt đó là đội quân xung trận của những người nông dân trong chiến dịch Điện Biên phủ trong bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Roman Camen.
Đường lối quân sự chiến tranh nhân dân đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại giúp Việt Nam chiến thắng đối thủ mạnh hơn rất nhiều về tiềm lực kinh tế và quân sự.
Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động toàn dân ra trận. Hàng vạn người, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở hàng ngàn km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến.
"Đường lối kháng chiến của chúng ta đã hình thành, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Đồng thời, chúng ta thực hiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đã cho phép chúng ta huy động cao nhất nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực của toàn thể nhân dân vào cuộc để kháng chiến chống thực dân Pháp", Đại tá Bùi Đình Tiệp, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Nghệ thuật Quân sự, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, cho biết.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", toàn dân Việt Nam lại bước vào một cuộc chiến tranh khốc liệt hơn rất nhiều để thống nhất đất nước. Miền Bắc là hậu phương vững chắc tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng miền Nam. Thi đua mỗi người làm việc bằng hai để chi viện cho tiền tuyến. Miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam sôi sục khí thế và tinh thần tiến công cách mạng của đồng bào và chiến sĩ của ta.
Đường lối quân sự chiến tranh nhân dân đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại giúp Việt Nam chiến thắng đối thủ mạnh hơn rất nhiều về tiềm lực kinh tế và quân sự.
"Chúng ta chiến đấu là vì nhân dân, mà người lính chiến đấu cũng từ nhân dân, do vậy toàn thể dân tộc chúng ta trên dưới đồng lòng với đường lối này. Chính Việt Nam là hình mẫu về xây dựng chiến tranh nhân dân và lòng dân. Chúng ta đã tạo sức mạnh tổng hợp làm sao cho toàn đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất, mỗi người như một", Thiếu tướng GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, nhận định.
Trong cuốn sách "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tư tưởng cốt lõi xuyên suốt chỉ đạo đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng là lấy xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là điểm mấu chốt xuyên suốt toàn bộ cuốn sách của Tổng Bí thư.
Để đất nước Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay là cống hiến và hy sinh của biết bao thế hệ. Bởi vậy trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điểm cốt lõi trong xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng "bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình", "bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định" chính là để đất nước phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!