Đối ngoại Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 12/10/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 nước, đặc biệt là quan hệ với các đối tác quan trọng, các nước láng giềng ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất.

Sau hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, bất chấp những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt, nhìn lại khoảng thời gian vừa qua có thể thấy việc thực hiện đường lối đối ngoại, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII là một trong những nhiệm vụ đã để lại nhiều dấu ấn.

Trong 3 năm trở lại đây, tại nhiều quốc gia, nhiều biến động lớn, chưa có tiền lệ đã xảy ra, dẫn đến những thách thức đối với sự ổn định và phát triển trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, sau sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn vào tháng 1 năm 2021, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết toàn diện trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại nhân dân. Trong đó, kết quả bao trùm là củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển bền vững cũng như tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế.

Một trong những sự kiện nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm ngoái ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 - sự kiện đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước, thu hút sự quan tâm của thế giới.

Đối ngoại Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Và mới đây nhất, cách đây 1 tháng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai bên chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đối ngoại Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại hội đàm. Ảnh: TTXVN

Cũng trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, đã diễn ra hơn 170 hoạt động đối ngoại cấp cao. Trong đó có hơn 30 chuyến thăm của các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt đến các quốc gia, đón hơn 30 đoàn lãnh đạo cấp cao đến Việt Nam, hơn 80 cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến đã được thực hiện.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 nước, đặc biệt là quan hệ với các đối tác quan trọng, các nước láng giềng ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Lần đầu tiên, ngay sau Đại hội, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức đã quán triệt, nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong việc kế thừa, phát huy sức mạnh của trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam: "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường. Từ đó, giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự phát triển đất nước, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, tin cậy và trách nhiệm.

Vai trò của các nước lớn và quan hệ giữa các nước này với nhau là nhân tố quyết định đối với việc giải quyết các vấn đề của thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, với việc cạnh tranh giữa các nước lớn rất gay gắt, các quốc gia khác, trong đó có Việt nam phải tìm ra lời giải cho những bài toán về thực hiện chính sách đối ngoại phù hợp trong quan hệ với các nước lớn, nhưng đồng thời đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền.

Nhìn lại gần 3 năm qua, với trường phái "ngoại giao cây tre", cụ thể hóa từ tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của đảng về công tác đối ngoại, Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, trong đó đảm bảo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước.

21 phát đại bác được bắn lên tại Quảng Trường Thiên An Môn chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Chuyến thăm của một lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Trung Quốc sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đối ngoại Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế - Ảnh 5.

21 phát đại bác được bắn lên tại Quảng Trường Thiên An Môn chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm chính thức Trung Quốc

Chuyến thăm được đánh giá là thành công trên mọi phương diện khi Tổng Bi thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thống nhất nhận thức chung về quan hệ song phương trên tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn; ký 13 văn kiện hợp tác, và ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.

Năm 2015, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Hoa Kỳ hội đàm với Tổng Bí thư của một Đảng Cộng sản tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

8 năm sau, vào tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Cấp Nhà nước Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Dấu ấn trong chuyến thăm này là việc hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với những phương hướng lớn, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

Bên cạnh Trung Quốc và Mỹ, thì Việt Nam còn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Đối ngoại Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế - Ảnh 7.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trên nền tảng tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt Nam - Nga có độ tin cậy cao. Từ khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập hơn 10 năm trước, nhiều cơ chế phối hợp đã được xác lập trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư khoa học, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Với Hàn Quốc - một cường quốc về công nghệ trên thế giới với những tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và cả hai đang quyết tâm thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Còn với Ấn Độ, sau gần 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai bên đều cam kết thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc, đặc biệt là trong các vấn đề chiến lược như an ninh, quốc phòng; qua đó góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định của hai nước, khu vực và quốc tế.

Bên cạnh việc xử lý một cách khéo léo các mối quan hệ với các nước lớn thì Việt Nam cũng đã làm tốt nhiệm vụ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, triển khai nhiều hoạt động thể hiện ưu tiên hàng đầu, không ngừng bồi đắp mối quan hệ với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống.

Các nước láng giềng, bạn bè truyền thống là những mối quan hệ rất quan trọng, đặc biệt gần gũi, thủy chung, trong sáng, vượt ra ngoài phạm vi của mối quan hệ thông thường. Lòng tin trong những mối quan hệ này đã được xây dựng, thử thách bằng thời gian, trải qua những biến cố của lịch sử và không dễ gì có được.

Hiện nay, trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, quan hệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nhạy cảm, đan xen lợi ích thì việc giữ gìn, củng cố phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống càng được hết sức coi trọng trong tổng thể quan hệ đối ngoại của đất nước.

Với người Việt Nam, cụm từ "láng giềng" mang hàm nghĩa tốt đẹp ở cả phương diện gia đình, rộng hơn nữa là phương diện quốc gia.

Quan hệ với các nước láng giềng được hun đúc từ lịch sử, được tôi luyện thử thách khắc nghiệt qua thời gian với nhiều biến cố nên hết sức bền chặt, đặc biệt thủy chung, trong sáng, điển hình là quan hệ Việt Nam – Lào - Campuchia.

Đối ngoại Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế - Ảnh 9.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào.

Quan hệ của Việt Nam với các nước bạn bè, đối tác truyền thống cũng luôn được coi trọng, điển hình là quan hệ son sắc thủy chung không có tiền lệ Việt Nam - Cuba.

Đối ngoại Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế - Ảnh 10.

Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez và các đại biểu dự lễ kỷ niệm 50 năm Chủ tịch Cuba Fidel Castro tới thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023) tại Quảng Trị.

Cùng tham gia bình luận trong chương trình Tọa đàm của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề Đối ngoại Việt Nam là 2 khách mời: Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước