Đổi mới công tác cán bộ: Chấn chỉnh bất cập, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 07/01/2021 06:48 GMT+7

VTV.vn - Trước tình trạng bổ nhiệm "thần tốc" hay "nâng đỡ không trong sáng", Đảng đã thể hiện quyết tâm hành động trong chấn chỉnh những sai phạm trong công tác cán bộ.

"Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" là một trong những nhiệm vụ trong tâm được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra.

Cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII, trong nhiệm kỳ này, Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, với một loạt giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện. Công tác cán bộ được quan tâm một cách xứng tầm, thực sự là công việc "then chốt của then chốt".

Vậy, những dấu ấn nổi bật, những kết quả quan trọng trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ Đại hội XII là gì?

Cùng bàn luận về những vấn đề trên trong chương trình Tọa đàm "Đổi mới công tác cán bộ" là 2 vị khách mời: ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ông Phan Thăng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ.

2016 - chưa khi nào từ khóa "chạy chức, chạy quyền" nóng như thế!

Đổi mới công tác cán bộ: Chấn chỉnh bất cập, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền - Ảnh 1.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, công tác cán bộ trước nhiệm kỳ Đại hội XII đã bộc lộ không ít những tồn tại hạn chế và cả những bất cập. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng xảy ra ở một số nơi.

Không ít trường hợp cán bộ được bổ nhiệm "thần tốc" hoặc "nâng đỡ không trong sáng" lên các vị trí lãnh đạo, gây bức xúc dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây cũng là năm mà chưa khi nào những từ khóa về công tác cán bộ như "bổ nhiệm", "cất nhắc", "chạy chức, chạy quyền" hay là "người tài – người nhà" lại "nóng" như thế.

Điển hình nhất là cái tên Trịnh Xuân Thanh - lãnh đạo một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thế nhưng lại liên tục được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo cao hơn, thậm chí được quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương.

Đổi mới công tác cán bộ: Chấn chỉnh bất cập, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền - Ảnh 2.

Trịnh Xuân Thanh đầu thú sau gần 1 năm trốn lệnh truy nã quốc tế.

Bổ nhiệm cán bộ tùy tiện không phải là chuyện cá biệt. Giám đốc Sở Tài chính của một tỉnh bổ nhiệm con mình là phó trưởng phòng. Phó Chủ tịch tỉnh này sau đó cũng bị kỷ luật vì nâng đỡ không trong sáng trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ.

Còn tại địa phương khác, 1 xã có 12 người là họ hàng cùng "làm quan". Một loạt các trường hợp bổ nhiệm "thần tốc" cũng khiến dư luận hết sức bất bình.

Trước sự bức xúc của xã hội, những người có trách nhiệm đều giải thích là "đúng quy trình".

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Đảng đã thể hiện một quyết tâm hành động trong chấn chỉnh những sai phạm trong công tác cán bộ.

Tháng 6/2016, Người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến chỉ đạo đề nghị làm rõ sự việc Trịnh Xuân Thanh. Từ đây, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã bị phanh phui. 5 tháng sau đó, Ban Bí thư đã thi hành một quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Gần một tháng sau đó, một loạt các cán bộ cấp cao để xảy ra vụ việc tiếp tục bị xử lý kỷ luật.

Chấn chỉnh những bất cập trong công tác cán bộ

Trong suốt nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Rất nhiều bài viết, bài phát biểu tại các hội nghị, người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác này, là then chốt của then chốt, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng.

Tổng Bí thư đã chỉ đạo phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực trong công tác này để lấy lại niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Để chấn chỉnh những bất cập trong công tác cán bộ, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, trong nhiệm kỳ này, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ.

Ngay từ năm 2016, hàng loạt các quy trình bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ đã được bổ sung, điều chỉnh. Tiếp sau đó, nhiều quy định về công tác cán bộ cũng đã kịp thời được ban hành trong suốt 5 năm qua. Vì vậy, công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp hơn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn.

Đổi mới công tác cán bộ: Chấn chỉnh bất cập, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền - Ảnh 4.

Năm 2017, qua tiến hành tổng rà soát công tác cán bộ, đã phát hiện: hơn 2.800 trường hợp bổ nhiệm sai về quy trình, thủ tục (chiếm 0,13% tổng số được rà soát); hơn 55.000 trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn (chiếm 2,56% tổng số được rà soát)

Có thể nói, chưa có nhiệm kỳ Đại hội nào, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng lại quan tâm chỉ đạo, tập trung lãnh đạo về công tác xây dựng Đảng như nhiệm kỳ này. Trong đó thể chế về công tác cán bộ được đặt lên hàng đầu, với nhiều đổi mới, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ cho đến công tác luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Hàng chục quy định, quy chế do Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chính là nhằm để công tác cán bộ chặt chẽ hơn, thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn và thực hiện được mục tiêu cuối cùng là đánh giá cho đúng cán bộ, chọn cho đúng người và bố trí đúng việc.

Đổi mới công tác cán bộ: Chấn chỉnh bất cập, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền - Ảnh 5.

Theo Quy định 205, cán bộ tham gia chạy chức, chạy quyền sẽ bị khai trừ Đảng, buộc thôi việc

Rèn luyện, nâng cao đạo đức cán bộ - mối quan tâm hàng đầu của Đảng

Thời gian qua, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng.

Tình trạng này đã gây ra hậu quả xấu trên nhiều mặt: thất thoát tài sản, tiền của của Nhà nước và nhân dân; làm tha hóa cán bộ, đảng viên; ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Vì vậy, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng ta hiện nay chính là việc rèn luyện, nâng cao đạo đức cán bộ. Đây cũng là một điểm nhấn trong công tác cán bộ nhiệm kỳ Đại hội 12, với nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực và quyết liệt.

Có thể nói, chưa nhiệm kỳ nào vấn đề "Đạo đức cán bộ" lại được quan tâm và cụ thể hóa như nhiệm kỳ 2016 – 2020 qua một loạt các văn bản liên quan đến vấn đề này đã được ban hành.

2 văn bản được coi là xuyên suốt trong vấn đề đạo đức của cán bộ, đã được ban hành ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Đó là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Cùng với đó là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đổi mới công tác cán bộ: Chấn chỉnh bất cập, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền - Ảnh 6.

Những văn bản xuyên suốt trong vấn đề đạo đức của cán bộ

Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Các quy trình ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Nhờ đó, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Những điều đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.

Điều mà cán bộ, đảng viên và nhân dân mong mỏi nhất là làm sao Đảng sáng suốt lựa chọn cho được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, có cả đức và tài.

Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền

VTV.vn - Các cán bộ phải tuyệt đối trung thành, trung thực, tỉnh táo, tinh tường; chống các biểu hiện tiêu cực trong tham mưu về công tác nhân sự.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước